Trước đó, hôm 20-6 Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành lệnh cấm khẩn cấp đối với các hãng hàng không nước này bay qua khu vực không phận do Tehran kiểm soát trên Eo biển Hormuz và Vịnh Oman, sau khi một máy bay không người lái của Mỹ bị Tehran bắn hạ, đài RT đưa tin.
Một chiếc máy bay của hãng hàng không Lufthansa và British Airways tại sân bay quốc tế ở Munich, Đức. Ảnh: REUTERS
Hãng hàng không hàng đầu ở Anh, British Airways, tuyên bố sẽ tuân thủ hướng dẫn do Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) ban hành.
"Đội ngũ an ninh của chúng tôi liên tục liên lạc với các cơ quan chức năng trên toàn thế giới để đánh giá rủi ro toàn diện đối với mọi tuyến đường bay chúng tôi đang khai thác" - Phát ngôn viên của hãng nói và cho biết các chuyến bay của hãng sẽ tiếp tục hoạt động thông qua các tuyến khác.
Hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM cũng xác nhận với các phương tiện truyền thông rằng các máy bay của họ cũng sẽ tránh không phận eo biển Hormuz và Vịnh Oman sau lệnh cấm của FAA.
Cũng cùng động thái, hãng bay Đức Lufthansa nói rằng họ đã quyết định định tuyến lại các tuyến bay ở khu vực vùng Vịnh dựa trên đánh giá của chính họ. Đồng thời, cho biết các chuyến bay theo lịch trình đến Tehran vẫn sẽ tiếp tục.
Hãng hàng không Úc Qantas, hãng Emirates của UAE, hãng hàng không Malaysia Airlines và Singapore Airlines cũng nằm trong số các hãng hàng không quyết định né không phận Iran.
Trước đó, sáng 20-5, lực lượng phòng không Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái cao cấp của Hải quân Mỹ, với lý do máy bay này đã vi phạm không phận nước này. Ngược lại, về phía Mỹ vẫn khăng khăng rằng UAV của nước này chỉ đang ở vùng biển trung lập.
Sáng 21-6, Tổng thống Donald Trump đã lệnh tấn công trả đũa Iran về vụ việc kể trên, nhưng đã ngừng các cuộc tấn công chỉ 10 phút trước khi nó bắt đầu.