Hôm 20-6, Iran đã gọi máy bay không người lái của Mỹ là "khiêu khích" và "rất nguy hiểm" khiến nước này đi đến quyết định bắn hạ.
Trong một lá thư gửi LHQ, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht Ravanchi gọi chuyến bay là "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".
"Đây không phải là hành động khiêu khích đầu tiên của Mỹ chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Iran".
Tổng thống Donald Trump ban đầu nói rằng "Iran đã phạm một sai lầm rất lớn", nhưng sau đó hạ giọng và cho rằng đây là một hành động “không cố ý".
Hôm 20-6, Washington đã ban lệnh cấm đối với các hãng hàng không nước này bay qua khu vực không phận do Tehran kiểm soát. Cùng ngày, hai nước cũng đưa ra các lời tường thuật khác nhau về vụ việc.
Washington cho biết máy bay không người lái đã bị rơi xuống [trong phạm vi không phận quốc tế, trên eo biển Hormuz bởi một tên lửa đất đối không của Iran. Còn Tehran thì khẳng định máy bay không người lái đã xâm phạm không phận Iran trên tỉnh Hormozgan ven biển phía nam.
Vị trí máy bay bị bắn hạ. Ảnh: BBC
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đưa ra tọa độ chính xác nơi máy bay bị bắn hạ, cung cấp thêm rằng Iran đã tìm được các mẫu của máy bay trong vùng lãnh hải của mình.
Lầu Năm Góc sau đó đã phát hành một hình ảnh thể hiện đường bay của máy bay nhưng không đưa ra lời giải thích chi tiết.
Ông Zarif cam kết có thể chứng minh tại Liên Hiệp Quốc, lên án "hành vi xâm lược mới" của Washington.
Vụ việc đánh dấu cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào một tài sản của Mỹ, diễn ra ngay trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước, mà căn nguyên là do quyết định của ông Trump hồi năm ngoái đã rút khỏi một thỏa thuận quốc tế nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Vụ bắn hạ này tiếp nối một loạt các sự cố gây leo thang chiến tranh ở vùng Vịnh kể từ giữa tháng 5, bao gồm cả các cuộc tấn công đáng ngờ vào sáu tàu chở dầu mà Mỹ đổ lỗi cho Iran.
Tehran phủ nhận sự liên quan, nhưng Washington đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng Vịnh. Tất cả những điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng chỉ cần một tính toán sai lầm hoặc một sự gia tăng hơn nữa trong các cuộc xung đột có thể đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột mở.
Các thành viên của Phi đội Trinh sát số 7 chuẩn bị phóng RQ-4 Global Hawk tại Trạm Không quân Hải quân Sigonella, Ý. Ảnh: AP
Hãng thông tấn IRNA của Iran xác định máy bay không người lái bị bắn hạ này là RQ-4 Global Hawk, có giá gần 150 triệu USD, có thể bay trong 24 giờ.
Chiếc máy bay đã cất cánh từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở chế độ tàng hình để tránh bị phát hiện.
"Chúng tôi sẽ đưa sự xâm lược mới này lên Liên Hợp Quốc và cho thấy rằng Mỹ đang nói dối. Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ của mình”, ông Zarif nói.
Nhưng Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) phủ nhận các báo cáo của Iran, nói rằng vụ việc "là một cuộc tấn công chưa được thực hiện vào một tài sản giám sát của Mỹ trong không phận quốc tế".
Hiện vẫn chưa có báo cáo của bên độc lập nào về tọa độ rơi của máy bay. Ông Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Viện Dịch vụ Hoàng gia, mô tả máy bay không người lái của Mỹ là "rất tinh vi" và cho rằng không có khả năng máy bay vô tình đi lạc vào không phận Iran.
Tại Washington, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh chính của Trump, nói rằng Mỹ và Iran đã "tiến gần hơn một bước" đến xung đột.
Nhưng đối thủ của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cảnh báo người dân Mỹ không muốn chiến tranh.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer cáo buộc tổng thống "thúc đẩy chúng ta tiến tới một cuộc xung đột bất tận khác ở Trung Đông".
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi thận trọng, cảnh báo bất kỳ cuộc chiến nào giữa Iran và Mỹ sẽ là "thảm họa đối với khu vực”.
Saudi Arabia, đồng minh chính của Mỹ ở vùng Vịnh, nói Iran đã tạo ra một tình huống nghiêm trọng với "hành vi hung hăng" của mình và vương quốc này đã thăm dò các quốc gia Ả Rập khác ở vùng Vịnh về các bước tiếp theo.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết ông lo ngại về vụ việc mới nhất và kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế tối đa và tránh mọi hành động có thể châm ngòi xung đột".