Sẽ giám sát 12 địa phương về bất động sản, nhà ở xã hội

(PLO)- Hiện các doanh nghiệp bất động sản gặp khó về phương pháp định giá đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-8, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) từ năm 2015 đến hết 2023”.

Giám sát để minh bạch thị trường, phát triển nhà ở xã hội

Theo Nghị quyết 95/2023 của Quốc hội, đoàn giám sát do Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn và các phó trưởng đoàn gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Phó Trưởng đoàn thường trực), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn giám sát, cho biết đây là một trong bốn chuyên đề sẽ thực hiện giám sát trong năm 2024 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024. Theo ông Mẫn, chuyên đề giám sát này có phạm vi giám sát rộng, phức tạp, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương và nhiều đối tượng tác động.

“Thị trường BĐS hiện có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp (DN), đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hiện nay, thị trường BĐS đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà yêu cầu cơ bản, xuyên suốt đó chính là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường” - ông Mẫn nêu.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: THẮNG PHẠM
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: THẮNG PHẠM

Về vấn đề NƠXH, ông Mẫn khẳng định đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vì liên quan đến an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống của người dân và công bằng xã hội. Do vậy, những giải pháp về cơ chế, chính sách và việc tổ chức triển khai các chính sách NƠXH sẽ góp phần đáp ứng được mức sống ngày càng cao của người dân và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

“Một trong những mục đích, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với đoàn giám sát là phải đề cao trách nhiệm, góp phần “giải mã” được thực chất những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo đó, ông Mẫn thống nhất giám sát trực tiếp tại 12 địa phương và cân đối đến yếu tố vùng miền, vùng kinh tế; hoàn thiện đề cương báo cáo giám sát đối với các chủ thể được giao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH…

DN BĐS gặp khó về giá đất, quy hoạch…

Liên quan thị trường BĐS và NƠXH, mới đây Bộ Xây dựng có báo cáo, cho biết lĩnh vực BĐS quý II-2023 vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn, thách thức. Các khó khăn, thách thức tập trung chủ yếu vào vấn đề thể chế, về pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương.

“Hiện nay, các địa phương và các chủ đầu tư dự án NƠXH đang tập trung triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng” - Bộ Xây dựng thông tin.

Toàn cảnh phiên họp thứ nhất của đoàn giám sát sáng 8-8. Ảnh: PHẠM THẮNG
Toàn cảnh phiên họp thứ nhất của đoàn giám sát sáng 8-8. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về hoạt động của DN BĐS, Bộ Xây dựng cho hay số DN đã giải thể trong quý II-2023 tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số DN thành lập mới chỉ bằng 61,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN phải cắt giảm hơn 60% lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay…

Theo Bộ Xây dựng, về mặt pháp lý, hiện nhiều DN BĐS gặp khó trong việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất, các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về điều chỉnh chủ trương đầu tư, thẩm quyền chuyển nhượng dự án…

Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án BĐS trong quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư; giao đất; hoàn thiện hồ sơ dự án.

Đặc biệt, nhiều DN BĐS đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu DN và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.

“DN BĐS đang phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều DN chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu” - báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết.

Làm rõ giá bán nhà ở xã hội

Đối với lĩnh vực BĐS, trong đợt này đoàn giám sát sẽ tập trung vào một số nội dung như: Làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực BĐS; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân xuất phát từ thể chế, quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu DN.

Đối với vấn đề NƠXH, đoàn giám sát sẽ tập trung vào chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển NƠXH; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về NƠXH quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng NƠXH; việc thực hiện dự án xây dựng NƠXH; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích NƠXH; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán NƠXH; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH; quản lý, vận hành NƠXH.

Video đang xem nhiều

Đọc thêm