Sáng 26-8, người dân đảo quốc sư tử Singapore thức dậy và chứng kiến một màn sương bụi mờ bao phủ khắp đảo quốc do tro bụi từ cháy rừng Indonesia lan sang. Mức độ ô nhiễm không khí ở Singapore ngày 26-8 ở mức cảnh báo, không an toàn với sức khỏe.
Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore khuyến cáo người dân ở trong nhà, đóng kín cửa. Trường học phải đóng cửa. Giao thông hàng không và hàng hải bị đình trệ.
Nước láng giềng Malaysia đã phải chịu đựng tình trạng mờ bụi này từ giữa tháng 8.
Người dân Singapore mang khẩu trang chống bụi sáng 26-8 vì ảnh hưởng cháy rừng ở Indonesia. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó ngày 26-8, sáu tỉnh Indonesia vẫn được đặt trong tình trạng báo động vì cháy rừng.
Indonesia vẫn đang hết sức nỗ lực dùng nhiều biện pháp khống chế cháy rừng. Cơ quan Quản lý thảm họa Indonesia đã triển khai tám trực thăng, hai máy bay thả nước chữa cháy rừng. Hai máy bay nữa thực hiện nhiệm vụ trồng mây để tạo mưa ngăn cháy rừng. Bên cạnh đó còn có nhiều lực lượng cứu hỏa dập lửa dưới mặt đất.
Trực thăng được huy động chữa cháy rừng Indonesia ngày 11-8. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, Indonesia còn tiến hành chặt bỏ cây cối để ngăn chặn cháy lây lan. Cây chặt được đốt dưới lòng đất, phần đất chặt cây về sau sẽ được trồng cây mới.
Theo thống kê của Trung tâm Khí tượng Asean, từ đầu năm đến ngày 18-8, cả Indonesia đã có 184 điểm cháy rừng lớn. Số điểm cháy rừng lớn ở Indonesia trong ngày 25-8 là 17 điểm. 23 triệu người đang bị ảnh hưởng.
Từ đầu năm đến nay, Indonesia đã bắt 454 cá nhân liên quan đến các vụ cháy rừng, hơn cả gấp đôi so với cùng thời gian năm ngoái (196 người). Đầu tháng 8, một công ty trồng cây cọ sagu bị phạt 81 triệu USD vì liên quan đến các vụ cháy rừng ở Indonesia trong năm 2015. Đây là mức phạt lớn nhất đối với hành vi gây cháy rừng.
Cháy rừng ở Indonesia ngày 25-8. Ảnh: REUTERS
Thiệt hại do ô nhiễm đối với Singapore năm 2015 là 517 triệu USD. Thiệt hại này ở Indonesia - điểm xuất phát của tro bụi nặng hơn nhiều, 16,1 tỉ USD trong năm 2015, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới.
Cháy rừng là vấn nạn lặp lại hằng năm của Indonesia. Năm 2015 là năm cháy rừng tồi tệ nhất kể từ đợt cháy rừng khủng khiếp năm 1997, do là năm cao điểm của hiện tượng thời tiết nắng nóng El Nino. Lửa đã thiêu rụi gần 261.000 ha rừng, tạo ra 1,75 tỉ tấn khí thải, biến Indonesia trở thành một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới. Hàng loạt nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines cũng bị ảnh hưởng.
Nhiều người hy vọng thực trạng cháy rừng, tro bụi và thiệt hại kinh tế của năm nay sẽ ít hơn năm ngoái vì có sự xuất hiện hiện tượng thời tiết La Nina.