Số trường hợp ca nhiễm virus corona đang lan rộng nhanh chóng ở Trung Quốc với số ca nhiễm bệnh đã lên tới 5.496, các cơ quan y tế cho biết hôm thứ Tư và nhấn mạnh rằng con số này đã vượt qua cả dịch bệnh SARS, mà vào năm 2003 đã giết chết tổng cộng 600 người trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) dịch bệnh SARS đã lây nhiễm cho 5.327 người ở Trung Quốc trong vòng chín tháng và giết chết 349 người.
Người đi bộ ở Bắc Kinh đeo khẩu trang y tế để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus corona chết người. Ảnh: AFP
Theo South China Morning Post, số người chết đã tăng lên con số 131, với 840 trường hợp mắc bệnh mới ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tổng số ca tử vong do nhiễm virus corona mới đều ở Trung Quốc, với 125 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh được phát hiện và sáu trường hợp ở các tỉnh khác. Đã có khoảng 3.300 người nhập viện ở tỉnh Hồ Bắc, với hơn 20.000 người được theo dõi có dấu hiệu mắc bệnh.
Hầu hết các bệnh nhân đã tử vong đều trên 60 tuổi và có đang trong tình trạng sức khỏe yếu, theo báo cáo từ chính quyền địa phương. Loại virus này có thể truyền qua người thông qua tiếp xúc gần.
Mọi người đeo khẩu trang tại một ga tàu điện ngầm ở Đài Bắc vào ngày 28-1. Ảnh: AP
Zhong Nanshan, một trong những chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu của Trung Quốc, cho biết hôm 28-1 rằng dịch vẫn chưa đến đỉnh điểm và ông dự kiến trong vòng một tuần hoặc 10 ngày tới số ca nhiễm bệnh mới sẽ không gia tăng thêm nữa.
Tuy nhiên, các học giả của ĐH Hong Kong đã dự đoán rằng số ca nhiễm bệnh sẽ vẫn gia tăng ở năm thành phố lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Trùng Khánh và số ca nhiễm sẽ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Hong Kong, GS Yuen Kwok-yung cho biết hôm 28-1 rằng các nhà nghiên cứu ở thành phố đã phát triển một loại vaccine cho virus corona nhưng cần thời gian để thử nghiệm.
Các nhà khoa học ở Trung Quốc đại lục và Mỹ cũng đang chạy đua sản xuất vaccine phòng bệnh này.
Tính đến nay, căn bệnh từ virus corona, có triệu chứng như viêm phổi đã lây lan nhanh chóng tại 15 quốc gia ngoài Trung Quốc, bao gồm các khu vực khác ở châu Á, Bắc Mỹ, Úc và châu Âu. Cụ thể, tính đến nay các ca mắc bệnh ở Thái Lan (7 ca), Nhật Bản (3 ca), Hàn Quốc (3 ca), Mỹ (5 ca), Việt Nam (2 ca), Singapore (4 ca), Malaysia (3 ca), Nepal (1 ca), Pháp (4 ca), Đức (1 ca) và Úc (4 ca), theo hãng tin Reuters.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới chính thức thắt chặt hoạt động du lịch quốc tế và trao đổi qua biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm Vũ Hán đã cướp đi sinh mạng của 131 người và lây nhiễm ra hàng nghìn người khác.
Các quốc gia như Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha và Ấn Độ đang xem xét sơ tán công dân của họ bị mắc kẹt ở Vũ Hán, nơi đã bị chính quyền Trung Quốc phong tỏa.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong ngày 28-1 cũng đã đưa chuyến bay có sức chứa 240 người để hồi hương các nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ từ Trung Quốc. Chuyến bay dự kiến sẽ dừng lại để tiếp nhiên liệu ở Anchorage, Alaska, trước khi đến Ontario, California hôm nay (29-1).
Bộ Ngoại giao Anh cùng ngày ra thông cáo cho biết đang xúc tiến đưa công dân nước này rời tỉnh Hồ Bắc và yêu cầu công dân liên lạc với Đại sứ quán tại Bắc Kinh nếu cần hỗ trợ.
Ngày 28-1, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo công dân của EU sẽ được rời khỏi Vũ Hán theo đường hàng không trên hai chiếc máy bay của Pháp trong tuần này.
Trước đó, Bộ Y tế Pháp cho biết máy bay sơ tán công dân nước này sẽ có mặt tại Vũ Hán ngày 30-1 và có thể trở về Pháp một ngày sau đó. Chuyến bay này sẽ chỉ chở những hành khách không có bất kỳ triệu chứng nhiễm virus nào. Ngoài ra, Pháp đã bố trí một chuyến bay khác chở những người có nguy cơ nhiễm virus, song lịch trình cụ thể chưa được ấn định. Những đối tượng sơ tán sẽ bị cách ly 14 ngày để theo dõi và xác định không nhiễm virus.
Một ngày trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định máy bay luôn túc trực để sẵn sàng sơ tán công dân khỏi Vũ Hán nhưng phía Trung Quốc chưa cấp phép với lý do tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.