Người dân liên hệ nhận kết quả giải quyết hồ sơ nhà, đất tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) - Ảnh: Quang Định.
Cụ thể, có người đưa ra giấy màu đỏ ghi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng người khác lại đưa giấy có màu hồng ghi là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Hai loại giấy này có giá trị pháp lý như thế nào?
Nguyễn Văn Tám (Q.4, TP.HCM)
Đại diện Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM trả lời:
- Thông thường để phân biệt giữa các loại giấy chứng nhận, người dân dựa vào màu sắc để gọi là sổ đỏ, sổ hồng.
Tên gọi này không được pháp luật quy định.
Trong đó sổ đỏ là mẫu do Bộ Tài nguyên - môi trường ban hành, bìa màu đỏ, nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất (có thể là đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, vườn, ao, đất rừng...) nên mẫu này có tên gọi là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Theo Luật đất đai 2003, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Còn sổ hồng là mẫu do Bộ Xây dựng ban hành, bìa màu hồng với nội dung ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên mẫu có tên gọi là “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”.
Tuy nhiên để thống nhất thành một loại giấy chứng nhận, ngày 19-10-2009 Chính phủ ban hành nghị định số 88 và ngày 21-10-2009 Bộ Tài nguyên - môi trường ban hành thông tư số 17 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, hai loại sổ đỏ, sổ hồng sẽ do Bộ Tài nguyên - môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Đối với trường hợp sổ đỏ, sổ hồng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10-12-2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.