Sở TNMT TP.HCM: 'Không bao giờ dám làm chậm việc cấp giấy'

"Cơ quan chức năng không bao giờ dám làm chậm việc xác định tiền sử dụng đất. Tuy nhiên khi làm thì đơn vị có gặp khó. Ngoài ra còn do nhận thức qua các thời kỳ, giai đoạn trước. Khi làm xong thì các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có những cái quá trình trước đây tham mưu không chuẩn nên có vấn đề chậm" - ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, phát biểu trong hội thảo Tắc tiền sử dụng đất do báo Thanh Niên tổ chức sáng 10-9 tại TP.HCM.

Theo ông Thạch, việc cấp giấy (sổ hồng) vướng rất nhiều khâu, trong đó có vướng pháp lý và kỹ thuật. Ví dụ như chủ đầu tư có mảnh đất, làm dự án nhưng chính sách cơ chế pháp luật về đất đai luôn có thay đổi khiến vụ việc kéo dài... Do vậy khi tính tiền sử dụng đất dễ bị vướng.

"Tuy nhiên, không vì các lý do trên mà cơ quan chức năng không cố gắng làm. Chúng tôi chỉ muốn làm cho đúng, cho đủ. Thông thường đối với dự án đầu tư, do thay đổi quy hoạch, thiết kế để phù hợp với công trình nên ách tắc tiền sử dụng đất bổ sung" - ông Thạch nói.

Thống kê của Sở TN-MT cho thấy sáu tháng đầu năm đã tính tiền sử dụng đất được 38 dự án, sắp tới sẽ trình UBND TP.HCM 49 dự án để thông qua. 

Quang cảnh hội thảo Tắc tiền sử dụng đất sáng 10-9. Ảnh: Kiên Cường

Chia sẻ thêm, ông Đỗ Đông Hướng, Trưởng ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM, cho rằng các sở ngành không né tránh mà tất cả hồ sơ về tính tiền sử dụng đất đều được xử lý. 

"Theo Thông tư 36/2014 của Bộ TN-MT quy định chi tiết về phương pháp định giá đất, có đến 30 thông số cần chứng minh. Trong đó có những thông số cần sự chia sẻ của doanh nghiệp. Ví dụ như giá chuyển nhượng ở các thời điểm, vay vốn bao nhiêu để làm dự án, xác định diện tích sàn sử dụng.... Tuy nhiên rất ít doanh nghiệp chia sẻ điều này" - ông Hướng phân tích.

Ông Hướng cho rằng cơ quan chức năng rất chia sẻ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và cũng rất muốn thực hiện nhanh việc tính tiền sử dụng đất, thu tiền để tạo nguồn thu cho nhà nước. Tuy nhiên, có những khó khăn vướng mắc của dự án phải kiến nghị TP, TP kiến nghị Trung ương tháo gỡ.

Nói về các dự án bị ách tắc, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết công ty có 13 dự án, tương đương gần 8.800 căn hộ chưa được cấp sổ hồng vì vướng ở khâu xác định tiền sử dụng đất.

"Các tỉnh khác trung bình chỉ mất 3 – 4 tháng đã có kết quả thẩm định, nhưng tại TP.HCM thì hầu hết hồ sơ kéo dài 3-4 năm chưa xong, rồi bị chuyển lòng vòng. Có dự án ở Thủ Đức thủ tục thẩm định giá đất được triển khai từ cuối năm 2015, chúng tôi đã bốn lần trình phương án giá đất lên Hội đồng thẩm định giá đất TP. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được duyệt thông qua" - ông Dũng nói.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho biết doanh nghiệp này hiện đang thực hiện hơn 40 dự án nhà ở tại TP.HCM. Trong đó có nhiều dự án cũng bị tắc tiền sử dụng đất do các khâu tính tiền sử dụng đất. Việc này gây tâm lý hoang mang cho cư dân, ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư BĐS tại thành phố.

Trước những khó khăn trong công tác tính tiền sử dụng đất, gây ách tắc việc cấp sổ cho người dân, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp.

Đơn cử như đối với các dự án chưa được định giá, UBND TP và các sở ngành sớm xem xét định giá làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trên cơ sở đó nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Đối với các dự án mà chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng người dân chưa được xét cấp sổ hồng, đơn vị quản lý nhanh chóng xem xét, giải quyết để sớm ổn định đời sống cho cư dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm