Sửa Luật Đầu tư: Thông thoáng nhưng cần chặt chẽ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết hiệp hội hết sức hoan nghênh dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã xác định rõ nguyên tắc: “Nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong tất cả ngành, nghề mà pháp luật không cấm…Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhà nước đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Điều này cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về mở cửa trong hoạt động đầu tư đã được thể chế hóa thành pháp luật.

Một điểm sáng nữa của dự thảo luật này được ông Châu chỉ ra đó chính là nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác…” (quy định ở Điều 48 về chuyển nhượng dự án đầu tư). Điều này đã thể hiện sự coi trọng quyền tự chủ kinh doanh, quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư đối với việc chuyển nhượng dự án.

Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Bến Thành, đặt vấn đề Luật Đầu tư sửa đổi cần có những quy định đưa ra giải pháp cho những hạn chế trong hoạt động đầu tư nước ngoài về tỉ lệ nội địa hóa thấp, tỉ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô lớn, sử dụng nhân công giá rẻ và nhập khẩu công nghệ lạc hậu…

Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại diện Tổng Công ty Dệt may Gia Định đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nhiều góp ý khác cho rằng thay vì quy định một chế độ, quy trình cấp phép áp dụng cho tất cả dự án nên để việc quy định cấp phép, đăng ký cho Luật Doanh nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm