Sáng 9-10, đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri nhằm ghi nhận những khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trước vấn đề cấp thiết của cử tri ngành y tế liên quan việc sớm tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay Bộ y tế đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và sẽ tiếp tục mở rộng ra các lứa tuổi nhỏ hơn.
Dự kiến đợt tiêm vaccine đầu là nguồn vaccine Pfizer sắp về Việt Nam. Mặt khác, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa qua cũng mới thăm và làm việc với Cuba, nơi đã thực hiện tiêm chủng vaccine Abdala và Soberana 2 cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự quan tâm với loại vaccine này và đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ.
Là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 trong thời gian qua, tại buổi tiếp xúc cử tri, BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, kiến nghị cần sớm triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine COVID-19 cho đối tượng dưới 18 tuổi.
Theo BS Hùng, tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 diễn biến nặng không nhiều nhưng vẫn có nguy cơ diễn biến nặng như mắc bệnh nền như người lớn như béo phì, ung thư. Việc bao phủ vaccine cho người lớn sẽ "dồn" nguy hiểm cho trẻ em.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM kiến nghị cần sớm triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em. Ảnh: HOÀNG LAN
Dự kiến thời gian tới, trẻ em trong độ tuổi đi học được trở lại trường học thì nguy cơ nhiễm COVID-19 càng cao. Theo tìm hiểu của BS Hùng, trong làn sóng dịch thứ 4 ở Mỹ chỉ trong 2 tuần cuối tháng 9, nước này báo cáo hơn 500.000 trẻ em nhập viện và số tích lũy từ đầu năm 2020, có đến 5,9 triệu trẻ nhiễm COVID-19, chiếm 17% tổng số ca nhiễm.
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số TPHCM, hiện có 1,8 triệu trẻ em từ 5 đến 18 tuổi trên địa bàn, con số này khá lớn và tỉ lệ trẻ em ở các tỉnh cũng chắc chắn cao.
BS Hùng dẫn chứng thế giới đã nhìn thấy nguy cơ và quan tâm đến việc tiêm ngừa vaccine COVID-19 cho trẻ em. CDC Hoa Kỳ đã cho phép tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Mặt khác, Cơ quan quản lý dược Hoa Kỳ FDI cũng đã công nhận việc tiêm vaccine cho cả đối tượng từ 5 đến 11 tuổi. Mới đây, Cuba đã triển khai tiêm vaccine Abdala cho trẻ em từ 2 tuổi.
Mặc khác, các nghiên cứu mức độ ảnh hưởng lâu dài sau mắc COVID-19 cho trẻ em hiện vẫn chưa đầy đủ, trong khi đó nhiều báo cáo cho thấy người lớn bị ảnh hưởng tâm sinh lý nhiều sau khi mắc bệnh.
Theo BS Hùng, tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 diễn biến nặng không nhiều nhưng vẫn có nguy cơ diễn biến nặng như mắc bệnh nền như người lớn như béo phì, ung thư. Riêng TPHCM đến nay đã có hơn 20.000 trẻ em mắc COVID-19.
Đồng tình với ý kiến của BS Hùng, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết việc tiêm vaccine đang phát huy hiệu quả và giảm nguy cơ bệnh nặng cao. Kể từ sau ngày 1-8, Bộ Y tế cho phép bệnh viện triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho thai phụ thì con số sản phụ nhập viện và thở máy đã giảm mạnh. Nếu như đầu tháng 8, bệnh viện tiếp nhận 40-50 thai phụ một ngày, trong đó có 10 ca phải thở máy xâm lấn thì hiện tại chỉ còn tiếp nhận 8-10 thai phụ một ngày, không còn thai phụ phải thở máy xâm lấn. Do đó, BS Tuyết kiến nghị cần sớm tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ đối tượng này.
BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho rằng hiện quy định tiêm vaccine COVID-19 cho người trên 50 tuổi với chỉ tiêu trên 80%, trong khi đó trẻ em vẫn chưa được tiêm vaccine. Do đó, BS Trường Giang kiến nghị nên giảm chỉ tiêu này còn 70%, dành 10% còn lại ưu tiên tiêm cho trẻ em.