Tôi ở Long An, trong thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của tôi có đăng ký khám bệnh ở bệnh viện huyện là nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu? Vậy cho tôi hỏi nơi KCB ban đầu là như thế nào? Tại sao cần phải có nơi KCB ban đầu? Trường hợp tôi muốn thay đổi nơi KCB ban đầu từ huyện này sang huyện khác thì có được hay không? Thủ tục thay đổi như thế nào và khi nào thì tôi được thay đổi?
Bạn đọc Võ Thanh Hà (Long An)
Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật BHYT thì cơ sở KCB BHYT ban đầu là cơ sở KCB đầu tiên theo đăng ký của người tham gia BHYT và được ghi trong thẻ BHYT.
Việc quy định có nơi đăng ký KCB ban đầu cho người tham gia BHYT nhằm quản lý người bệnh BHYT tốt hơn. Người có thẻ được KCB một cách thuận tiện tại cơ sở y tế gần nơi cư trú hoặc công tác.
Trường hợp bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB ban đầu, người bệnh sẽ được chuyển tuyến để được điều trị.
Nếu người tham gia BHYT vì lý do nào đó mà muốn thay đổi nơi KCB ban đầu thì vẫn có thể thay đổi.
Thời gian thay đổi là vào tháng đầu mỗi quý. Người tham gia BHYT nếu muốn thay đổi nơi KCB ban đầu thì có thể mang thẻ BHYT còn giá trị sử dụng đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) nơi cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn kê khai thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu.
Hồ sơ để thay đổi nơi KCB ban đầu bao gồm:
- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (theo mẫu TK1-TS).
- Thẻ BHYT.
Trong thời gian năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ đổi thẻ cho người tham gia BHYT. Trong thời gian chờ đổi thẻ, người có thẻ vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT.