Sáng 17-10, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với lực lượng Tổng cục An ninh 1 Bộ Công an đồng loạt bao vây, bất ngờ kiểm tra khách sạn Thảo Trang (316/32 Dã Tượng, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa) do bà Lê Thị Vân Phương làm chủ. Tại đây, công an đã bắt quả tang 24 người (20 người Trung Quốc, ba người Đài Loan và một người Việt Nam) có hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Người điều hành hoạt động, quản lý tài chính của nhóm là Yang Wen Fung (người Đài Loan).
Tổ chức hoạt động chuyên nghiệp
Thượng tá Nguyễn Ánh Hồng, Phó Chánh Văn phòng Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo tin báo của người dân, từ tháng 6-2011, có nhiều người Trung Quốc đến thuê trọn khách sạn Thảo Trang để ở. Qua xác minh, nhóm người này có nhiều biểu hiện và hoạt động không bình thường, chỉ một số ít người đăng ký tạm trú.
Khi ập vào, các lực lượng chức năng phát hiện số người trên sử dụng toàn bộ khách sạn để tổ chức hoạt động lừa đảo với nhiều thiết bị hiện đại, có phòng lắp đặt máy móc, thiết bị như một trung tâm công nghệ thông tin. Khám xét khách sạn, bước đầu cơ quan chức năng đã thu giữ hai bộ đường truyền tốc độ cao, 14 bộ đàm cầm tay, tám điện thoại Wi-Fi, 37 điện thoại bàn, bảy laptop, hai USB chứa dữ liệu…
Nhóm tội phạm công nghệ cao bị đưa về nơi tạm giữ. Ảnh: TẤN LỘC
Theo điều tra ban đầu, Trần Hán Nam (ngụ TP.HCM) làm phiên dịch cho nhóm người Trung Quốc trên cũng là người trực tiếp thuê khách sạn Thảo Trang với giá gần 30 triệu đồng/tháng. Sau khi thuê trọn khách sạn, nhóm người này tự treo bảng “Khách sạn đang sửa chữa, không đón khách”, đồng thời cho lắp đặt hai đường truyền Internet tốc độ cao và nhiều thiết bị mạng hiện đại.
Chiếm đoạt tiền của nhiều người
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thành viên trong ban chuyên án khẳng định nhóm người trên là một tổ chức tội phạm quốc tế sử dụng công nghệ cao để lừa đảo với những thủ đoạn rất chuyên nghiệp, tinh vi.
Theo lời khai ban đầu của nhóm này, hằng ngày họ sử dụng các thiết bị viễn thông liên lạc khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm các địa chỉ có khả năng lừa đảo, nhất là địa chỉ của những người Trung Quốc cư trú ở nhiều nước có hành vi làm ăn phi pháp, thu lợi bất chính. Sau đó, theo kịch bản được dựng sẵn, các thành viên trong nhóm giả danh người của cơ quan hành pháp Trung Quốc để hù dọa những người có hành vi trục lợi bất chính rằng số tài khoản của họ sẽ bị phong tỏa, yêu cầu họ cung cấp số tài khoản hoặc chuyển tiền vào một tài khoản khác để “phục vụ điều tra” hoặc “bảo vệ” cho họ rồi chiếm đoạt tiền.
Theo một cán bộ của Tổng cục An ninh 1, tổ chức tội phạm trên đã thực hiện thành công nhiều vụ lừa đảo, nạn nhân hầu hết là người Hoa đang cư trú tại nhiều nước trên thế giới. Thượng tá Nguyễn Ánh Hồng cho biết: “Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục đấu tranh, khai thác nhóm người này để làm rõ hành vi phạm tội để có hướng xử lý. Đây là một tổ chức tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt quả tang. Tuy nhiên, do vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể công bố những thông tin cụ thể”.
Chiều qua, Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa đã thông báo đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc và Văn phòng Kinh tế, Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM về vụ việc trên để phối hợp xử lý. Hiện toàn bộ những người trong nhóm này đã bị cơ quan công an tạm giữ.
Ngày 5-9, Công an tỉnh Phú Yên và Tổng cục An ninh 1 đã bắt quả tang 59 người Trung Quốc và ba người Việt Nam tổ chức hoạt động công nghệ cao để lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Sau đó, Công an tỉnh Phú Yên đã xử phạt 59 người này với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng rồi bàn giao cho Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) Trung Quốc và Đài Loan xử lý. |
TẤN LỘC