Trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới (The Guide to Sleeping in Airports) vừa công bố kết quả xếp hạng cho thấy sân bay Tân Sơn Nhất đứng thứ tư trong danh sách các sân bay tệ nhất châu Á (tụt bốn hạng so với 2014).
Sân bay này bị đánh giá thấp do hạ tầng xuống cấp, nhân viên vòi vĩnh tiền, WiFi yếu, nhà vệ sinh bẩn, không có lựa chọn nhà hàng ăn uống…
Thừa nhận còn hạn chế
Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, số chuyến bay chậm từ ngày 1-1-2015 đến 18-10-2015 có 14.589 chuyến, trong đó sân bay Tân Sơn Nhất có tới 13.038 chuyến. Số chuyến bay bị hủy là 451 chuyến, trong đó tại sân bay Tân Sơn Nhất 387 chuyến.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, thừa nhận nhà vệ sinh vẫn đảm bảo phục vụ khách nhưng lúc cao điểm nhiều người đi vệ sinh khiến quá tải vì vậy cần tiếp tục được cải thiện.
Về hạn chế trong phục vụ của nhà hàng, ông Mậu nói: “Đối với dịch vụ ăn uống, các quầy đảm bảo phục vụ những dịch vụ cơ bản nhất bao gồm nước suối, cơm, phở, mì gói, bún, phở, miến… Nhưng có thể món ăn không hợp khẩu vị khách Tây nên bị đánh giá thấp. Có điều phải thừa nhận nhà hàng cho khách lỡ chuyến thì còn ít, chỉ có một nhà hàng”.
Cũng theo ông Mậu, khách phải đứng chờ taxi lâu và xảy ra ùn tắc là do không có bãi tập kết cho taxi.
Trong khi đó, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết mặt bằng nhà ga, khu vực làm thủ tục nhà ga quốc tế đảm bảo rộng rãi, thông thoáng.
Tuy nhiên, ông Tú thừa nhận: “Nhà ga quốc nội do điều kiện hạ tầng không đồng bộ, ga đến nằm giữa hai ga đi nên xảy ra tình trạng giao cắt luồng hành khách, các phương tiện giao thông rất khó khăn di chuyển, đưa đón khách, thường xuyên bị ùn ứ trước nhà ga. Khu vực làm thủ tục của một hãng hàng không giờ cao điểm hơi chật chội”.
Luôn xảy ra tình trạng đông xe trước nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách đi bộ rất khó khăn khi qua đường. Ảnh: QUANG HUY
Phấn đấu thoát khỏi “tệ nhất”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về giải pháp để khắc phục những khiếm khuyết trên, ông Trần Doãn Mậu cho hay sau khi nhận được thông tin đánh giá không tốt về sân bay Tân Sơn Nhất, các bên liên quan đã thể hiện tinh thần cầu thị để khắc phục điểm yếu và nâng cấp chất lượng dịch vụ. Phấn đấu sang năm 2016 thoát khỏi danh sách sân bay tệ nhất.
“Cụ thể, về mạng WiFi yếu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã cam kết sẽ bổ sung và đổi nhà cung cấp ngay trong tháng 10, 11 này. Về chống quá tải, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Quốc phòng bàn giao 7,63 ha cho hàng không làm bãi đậu xe. Sân bay cũng đang triển khai nhanh dự án nhà giữ xe sáu tầng có thể để được trên 2.000 ô tô” - ông Mậu nói.
Để khách không phải chờ taxi lâu, ông Mậu nói hiện tại sân bay đang liên hệ để đề nghị UBND TP.HCM bố trí một bãi đậu xe taxi tại Công viên Gia Định, cách sân bay khoảng 500-600 m. Đồng thời xây hầm ngầm để hành khách vào ra sân ga và đến các bãi đậu xe và taxi. Nhà ga quốc tế cũng đang mở rộng, sẽ tăng thêm khoảng 3 triệu khách, sang năm 2016 sẽ hoàn tất.
Trị nhân viên vòi vĩnh
Đối với thông tin khách bị nhân viên hải quan vòi vĩnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Doãn Mậu nói lãnh đạo cơ quan hải quan khẳng định không dung túng những hành vi tiêu cực đó. Nếu nhận được thông tin tố cáo từ hành khách rằng bị nhân viên hải quan vòi vĩnh thì sẽ chuyển vị trí làm việc nhân viên này chứ không cần chứng cứ rõ ràng.
“Hải quan cũng sẽ bố trí camera giám sát, đường dây nóng ngay tại quầy làm thủ tục hải quan. Đồng thời bổ sung nhân sự để đáp ứng sự tăng trưởng về lượt khách, đặc biệt là giai đoạn cuối năm sẽ xảy ra quá tải” - ông Mậu nhấn mạnh.
Nói về thái độ phục vụ và tình trạng vòi vĩnh diễn ra tại sân bay, ông Đặng Tuấn Tú cho hay đã yêu cầu các đơn vị chú trọng nâng cao thái độ phục vụ hành khách. Trước đây, phong trào thực hiện “4 xin, 4 luôn” bao gồm xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu… chỉ phát động thực hiện chứ chưa có cam kết. Vì vậy, nay các đơn vị phục vụ tại sân bay (an ninh, hải quan, các đơn vị cung cấp dịch vụ, sân bay…) đã ký cam kết thực hiện.
Ông Tú thông tin thêm: “Một cải tiến nữa là quy trình phục vụ tại nhà ga quốc tế. Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính đơn giản hóa thủ tục bằng cách: Khu vực soi chiếu hành lý xách tay của hải quan ở ga đi sẽ ngồi chung với kiểm tra an ninh soi chiếu. Như vậy sau này hành khách bớt được một bước kiểm tra. Còn tình trạng chèo kéo khách của các nhà xe tuyến đi Vũng Tàu, sân bay đang phối hợp với cảng vụ và cơ quan chức năng giải quyết”.
Khắc phục ngay lập tức Ngày 21-10, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết sau khi có đánh giá của The Guide to Sleeping in Airports, Cục đã yêu cầu lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất rà soát lại các bất cập mà trang web nêu như chất lượng WiFi kém, nhà vệ sinh bẩn... Qua đó phải khắc phục ngay lập tức những khiếm khuyết. “Riêng dịch vụ buồng ngủ rất khó khắc phục, vì mặt bằng nhà ga hạn hẹp, không bố trí được mặt bằng cho dịch vụ ngủ nên sân bay Tân Sơn Nhất mất tiêu chí này trong đánh giá của trang web. Về nhà hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất là do lỗi chủ quan của sân bay. Bởi dù quá tải không thể bố trí thêm được nhà hàng nhưng phải bố trí hợp lý hơn trong một nhà hàng, đa dạng hóa sản phẩm cung cấp dịch vụ trong nhà hàng, chỉ dẫn cho khách biết được các vị trí của nhà hàng... lại chưa được rõ. Đây là những yếu tố trong thời gian vừa qua chưa được tập trung xử lý... Nên thời gian tới cần quyết liệt hơn để phục vụ tốt hơn nhu cầu của hành khách” - ông Thanh nói. VIẾT LONG Hành khách còn chịu nhiều phiền hà - Sân bay Tân Sơn Nhất phải thay đổi nhiều vấn đề để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, nhất là các dịch vụ hướng dẫn làm thủ tục còn mất nhiều thời gian. Những dịp lễ, tết người người chen lấn, chờ đợi rất mệt mỏi. Người thân của tôi đã từng gặp cảnh bị mất đồ do bị khui bung hành lý trong va ly. Chuyện này khiến rất nhiều hành khách bất bình. Anh NGUYỄN QUỐC VINH (35 tuổi, quê Hà Nội) - Tháng nào tôi cũng bay một vài lần. Nói thật chất lượng dịch vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều hành khách phiền hà nhất. Nhiều nhân viên an ninh cũng không mấy thiện cảm khi trả lời hành khách. Một số sân bay trên thế giới cũng không chênh lệch nhiều về quy mô nhưng các dịch vụ của họ thì hơn hẳn. Ví dụ ở các sân bay Nhật Bản, khi khách hàng hỏi thì các nhân viên hướng dẫn rất tận tình. Ngoài việc trả lời các thắc mắc, họ thường hướng dẫn thêm hành khách nên làm thế này, nên làm thế kia, còn các nhân viên của mình thì chỉ làm cho xong chuyện. Thêm nữa, giá thức ăn và dịch vụ vẫn còn cao. Có lần ăn một ổ bánh mì nhưng tôi phải trả giá đến 45.000 đồng. Anh TRƯƠNG CÔNG NAM, (38 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) PHƯỚC TĨNH |