Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, có không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng bối cảnh dịch COVID-19 để quảng cáo sản phẩm có tác dụng kháng virus, phòng chống COVID-19…
Chưa có bằng chứng khoa học cho thấy thực phẩm điều trị COVID-19
Hiện nay có nhiều thông tin lan truyền trên mạng liên quan việc sử dụng những thực phẩm, thực phẩm chức năng có thể điều trị, tiêu diệt SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những thông tin trên là không có cơ sở khoa học.
Trên một số trang mạng xã hội lan truyền thông tin sả tươi, củ gừng, tỏi,… có thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng các những thông tin này không có cơ sở.
Theo BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho đến nay không có bằng chứng khoa học nào cho thấy thực phẩm hay thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị, tiêu diệt SARS-CoV-2.
Để tăng sức đề kháng cho cơ thể trong mùa dịch, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo chúng ta nên có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp và thường xuyên luyện tập thể dục.
“Chúng ta cần cung cấp đủ cho cơ thể đầy đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất bột đường, không ăn quá nhiều chất béo. Bên cạnh đó, cần bổ sung những thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ, nâng cao chất đề kháng như: vitamin A, vitamin D, vitamin C, kẽm, sắt, selen,…Ngoài ra, chúng ta cần bổ sung nhiều rau, củ, cần phải uống đủ nước…”, bác sĩ Diệp cho biết.
Xử lý nghiêm trường hợp quảng cáo sai sự thật
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã có các cảnh báo không có loại thực phẩm chức năng nào (trong đó bao gồm: thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng điều trị COVID-19. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo sai quy định.
Cục An toàn thực phẩm đã tiếp tục chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng COVID-19 để trục lợi, tránh thiệt hại về sức khỏe và kinh tế của người dân, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương và Ban Quản lý An toàn thực phẩm: TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tại địa phương tăng cường các hoạt động kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn và quảng cáo các sản phẩm sản phẩm ghi công dụng, đối tượng sử dụng liên quan đến phòng, điều trị hoặc chữa được bệnh do COVID-19. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn sản phẩm vi phạm lưu hành trên thị trường, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm và công bố công khai để người dân biết.
Phạt Angela Phương Trinh về thông tin sai sự thật trong chữa trị COVID-19 Ngày 19-10, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Ngọc Phương Trinh (chủ tài khoản facebook và Fanpage Angela Phương Trinh) về hành vi cung cấp thông tin trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật về việc chữa trị COVID-19 bằng giun đất (địa long). Mức xử phạt là 7,5 triệu đồng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Trước đó, trên Facebook, tài khoản Angela Phương Trinh đã có đăng tải bài “Cơ sở khoa học để khẳng định địa long chữa được COVID”. Bài viết đã gây nhiều dư luận đồng tình lẫn không đồng tình. Trong đó, TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế, đã khẳng định: với vai trò của cơ quan quản lý và cấp số đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, chúng tôi khẳng định, đến thời điểm này, Bộ Y tế (Cục quản lý Y, Dược cổ truyền) chưa cấp số đăng ký thuốc cổ truyền nào có thành phần địa long có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị COVID-19 của địa lon”. |