Tang thương: 71 người chết và mất tích, 732 người bị thương do bão số 3, thiệt hại nặng tài sản

(PLO)- Bão số 3 và mưa lũ sau bão đang gây ra những thiệt hại, mất mát vô cùng lớn cho người dân miền Bắc Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bão số 3 đã tan nhưng hoàn lưu sau bão gây mưa lũ, sạt lở đất đang gây ra những thiệt hại, tổn thương to lớn. Từng giờ, từng ngày trôi qua, con số người chết và mất tích, là những đồng bào của chúng ta lại tăng lên.

Video: Tang thương: 71 người chết và mất tích, 732 người bị thương do bão số 3, thiệt hại nặng tài sản.

71 người chết và mất tích

Cập nhật đến 17 giờ chiều nay, 9-9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết đã có 71 người chết và mất tích do bão và mưa lũ sau bão số 3. Trong đó, 49 người chết, 22 người mất tích.

Lào Cai là địa phương hiện có thiệt hại nặng nhất khi có tới 18 người chết và 6 người mất tích, tập trung ở huyện Bắc Hà (6 người), Sa Pa (6 người), Bát Xát (7 người), Si Ma Cai (4 người), Văn Bàn (1 người).

bão số 3___...jpg
Lào Cai chịu nhiều thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra. Ảnh: GIA TUỆ

Hôm nay, Lào Cai đã phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.

Sau Lào Cai, tỉnh Cao Bằng cũng đang ghi nhận những thiệt hại nặng nề với 8 người chết, 13 người mất tích, trong đó chưa tính 16 người trên một xe khách bị cuốn trôi (trên xe có khoảng 20 người, đã tìm thấy 4 người tử vong).

Quảng Ninh ghi nhận 9 người chết; Hải Phòng và Lạng Sơn mỗi tỉnh có 2 người chết; Hải Dương, Hà Nội, Hà Giang mỗi tỉnh có 1 người chết; Hoà Bình 4 người chết do sạt lở đất; Yên Bái 3 người chết do sạt lở đất. Tuyên Quang có 2 người mất tích do lũ cuốn, Bắc Giang 1 người mất tích do lũ cuốn.

Về sự cố sập cầu Phong Châu trên sông Thao, tỉnh Phú Thọ, theo báo cáo của tỉnh tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện gặp nạn (gồm 01 xe tải, 02 xe đầu kéo, 06 xe máy, 01 xe máy điện); 8 người mất tích; hiện đã cứu được 3 người bị thương và đưa đi cấp cứu.

Ngoài số người chết, bão và mưa lũ sau bão cũng làm 732 người bị thương.

Thiệt hại nặng nề về kinh tế

Thiệt hại về kinh tế: Bão làm 136.228 ha lúa; 26.252 ha hoa màu; 6.887 ha cây ăn quả; trên 1.536 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; 125 con gia súc, 544.815 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, hư hỏng.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 46.548 nhà ở bị hư hỏng. Con số thiệt hại chưa dừng lại, các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đối với vùng đồng bằng, ven biển, tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Cao Bằng, Lào Cai…).

Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, an toàn hạ du hệ thống sông Hồng. Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Ưu tiên nguồn lực được hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; hỗ trợ, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để đưa học sinh trở lại lớp học. Dọn dẹp, xử lý môi trường đảm bảo ngăn chặn để không phát sinh dịch bệnh sau bão.

Tập trung vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa mầu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão. Tập trung vận hành tiêu úng cho các khu vực đô thị, khu công nghiệp và vùng trũng thấp.

Tập trung khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin,... để sớm cung cấp điện phục vụ tiêu úng và sinh hoạt của người dân.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc: Tập trung sơ tán người dân tại khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động nắm bắt, động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm