Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông phía đông TP.HCM

(PLO)- Sở GTVT TP.HCM và TP Thủ Đức đang phối hợp triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông cho khu đông TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-9, sau nhiều khó khăn, vướng mắc và được TP.HCM cũng như TP Thủ Đức gỡ vướng, tuyến song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã chính thức được thông xe sau bảy năm triển khai, thi công. Việc thông xe đoạn đường này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải tỏa áp lực giao thông cho đầu mối giao thông An Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM).

Góp phần chia sẻ áp lực cho nút giao An Phú

Theo ghi nhận của PV chiều 17-9, người dân đã được đi qua đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về đường Đỗ Xuân Hợp, kết nối với đường Nguyễn Duy Trinh, đường Liên Phường thay vì di chuyển lên đường nối cao tốc như trước đây. Điều này đã góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông trên cao tốc, đặc biệt là chia sẻ áp lực giao thông với nút giao An Phú đang được triển khai thi công xây dựng.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự án đường song hành này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời điểm TP có nhiều dự án về đích như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ).

Dự án góp phần giảm tải cho đường dẫn cao tốc, lưu thông thông suốt với các tuyến đường lân cận như Nguyễn Thị Định, Đỗ Xuân Hợp, Mai Chí Thọ và kết nối thuận lợi với đường vành đai 2, đồng bộ với nút giao An Phú.

Theo ông Bằng, sự kiện thông xe càng có ý nghĩa hơn khi các hạng mục công trình thuộc nút giao An Phú đang triển khai nước rút để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2025. “Theo đó, việc thông xe đường song hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tổ chức giao thông khu vực, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nút giao An Phú theo kế hoạch đề ra. Tôi đề nghị chủ đầu tư tiếp tục hoàn thành các thủ tục, hoàn thành đoạn còn lại của dự án” - ông Bằng nhấn mạnh.

nut-giao-thong-an-phu.jpg
Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe sau bảy năm triển khai. Ảnh: Đ.TRANG

Nhiều dự án khác đang tích cực được triển khai

Ông Bằng cho biết thêm khu vực phía đông TP đang tích cực triển khai nhiều dự án trọng điểm như nút giao An Phú, đường vành đai 2. Ngoài ra, ngành giao thông cũng đang đề xuất mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Bên cạnh đó, khu vực này còn có hàng loạt cây cầu trọng điểm như Nam Lý, Ông Nhiêu, Tăng Long… cũng đang được tích cực triển khai GPMB.

Ông Bằng cũng cho biết đối với đoạn 1 của dự án đường vành đai 2 (đoạn từ Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) cũng sẽ được trình HĐND TP trong kỳ họp tới để thông qua chủ trương đầu tư. “Tinh thần TP sẽ triển khai nhanh, gấp rút đoạn 1 đường vành đai 2 để sớm khép tuyến này, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri và người dân TP” - ông Bằng nhấn mạnh.

Tương tự, ông Bằng cũng cho biết dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện TP đã có khả năng cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện. Theo đó, TP đã đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhưng cần hoàn thiện đồng bộ việc mở rộng dự án này với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Sau khi hai bên cùng thống nhất, TP sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua để tiến hành thực hiện dự án.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, kỳ vọng Nghị quyết 98 sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án trên địa bàn TP. TP Thủ Đức đang triển khai rốt ráo đường vành đai 3 và sắp tới là đường vành đai 2 cũng như chuẩn bị cho việc vận hành tuyến metro số 1. Như vậy, thời gian tới hạ tầng giao thông TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho TP phía đông này”.

“Nghị quyết 98 sẽ mang lại cơ hội to lớn cho TP Thủ Đức để kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông cho TP trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều hạn chế. TP Thủ Đức đang phối hợp với Sở GTVT TP.HCM để nghiên cứu kêu gọi đầu tư vào các dự án như phát triển đô thị dọc tuyến metro số 1 theo phương thức TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng)… Từ đó, tạo ra nguồn lực, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho TP Thủ Đức” - ông Hoàng Tùng kỳ vọng.•

Phương án lưu thông đường song hành cao tốc

Từ ngày 17-9, Sở GTVT tổ chức thông xe đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường vành đai 2, TP Thủ Đức (đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến đường Đỗ Xuân Hợp).

Theo đó, trên đoạn này sở tổ chức lưu thông hai chiều các loại ô tô con, ô tô khách từ 16 chỗ trở xuống và xe hai bánh; cấm các loại xe tải, xe khách trên 16 chỗ lưu thông. Đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến đường Mai Chí Thọ tổ chức lưu thông hai chiều các loại xe hai bánh.

P8_hinhBOX.jpeg
Sau khi đường song hành cao tốc TP.HCM thông xe, Sở GTVT TP.HCM vẫn giữ nguyên phương án phân luồng giao thông đường dẫn lên cao tốc... Ảnh: Đ.TRANG

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết sau khi đường song hành được thông xe, TP vẫn tiếp tục giữ nguyên phân luồng giao thông trên đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (có làn đường cho xe máy).

“Sau khi thông xe, đường song hành có thể có nhiều phương tiện giao thông đi lại, gây ùn ứ. Theo đó, tôi đề nghị CSGT TP Thủ Đức, chính quyền địa phương tổ chức phân luồng giao thông để đảm bảo cho các xe đi lại” - ông Bằng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm