Ngày 4-12, hãng tin Reuters đưa tin Hiệp hội truyền thông AMI - đại diện cho 83 cơ quan truyền thông Tây Ban Nha - đệ đơn kiện Meta (Công ty mẹ của Facebook, Instagram) với lý do cạnh tranh không công bằng trên thị trường quảng cáo, đòi công ty này bồi thường 550 triệu euro (600 triệu USD).
Trong tuyên bố hôm 1-12, AMI cho rằng việc Meta sử dụng dữ liệu người dùng "vô tội vạ" trên các nền tảng Facebook, Instagram và Whatsapp giúp Meta có thể thiết kế và cung cấp quảng cáo được cá nhân hóa từ dữ liệu người dùng. Điều này được xem là cạnh tranh không công bằng trên thị trường quảng cáo.
Bên khởi kiện, bao gồm công ty Prisa – đơn vị xuất bản tờ báo El Pais (Tây Ban Nha) và tập đoàn Vocento – chủ sở hữu tờ ABC (Tây Ban Nha). Những cơ quan truyền thông trên cho rằng hầu hết các quảng cáo trên các nền tảng của Meta đều bắt nguồn từ việc sử dụng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý từ người dùng.
Những cơ quan truyền thông cũng cáo buộc hành vi của Meta vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực từ tháng 5-2018, trong đó quy định bất kỳ trang web nào cũng phải yêu cầu ủy quyền để lưu giữ và sử dụng dữ liệu cá nhân.
Trao đổi với Reuters, luật sư đại diện cho các cơ quan truyền thông Tây Ban Nha - ông Nicolas Gonzalez Cuellar cho biết "các vụ kiện tương tự có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia EU nào khác” bởi vì vấn đề này liên quan cáo buộc vi phạm các quy định của châu Âu.
Văn phòng báo chí của Meta không phản hồi ngay lập tức về thông tin trên.
Cũng theo Reuters, trước đó, các cơ quan truyền thông Tây Ban Nha đã giành chiến thắng trước Google News của Alphabet do quy định của nước này yêu cầu các công ty và các nhà tổng hợp tin tức khác phải trả tiền cho các cơ quan báo chí khi sử dụng các đoạn tin tức của họ.
Kết quả là, thay vì trả tiền cho các cơ quan báo chí, Google News đóng cửa tại Tây Ban Nha vào năm 2014. Vào năm 2022, Google News mở cửa lại sau khi Tây Ban Nha thông qua luật mới cho phép các gã khổng lồ công nghệ thương lượng phí trực tiếp với cơ quan truyền thông.