“Mùng 3 Tết cách đây 10 năm, tôi ra chợ gần nhà mua xà lách, rau thơm các loại để cuốn với bánh tráng, thịt heo. Mới ăn được một ít thì tôi và hai con bị đau bụng, phải liên tục vào nhà vệ sinh khiến tôi sợ đến giờ” - bà TTMH (48 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) kể lại.
Giờ ăn uống gì cũng an tâm hơn
“Nghi “thủ phạm” chính là rau dù đã được rửa sạch và ngâm nước muối, từ đó tôi không dám ăn rau sống mua ngoài chợ. Khi cần, tôi vô siêu thị vì hàng hóa đều có nguồn gốc rõ ràng” - bà H nói, đồng thời cho hay gần đây thấy thực phẩm ở chợ gần nhà được cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nên bà cũng phần nào yên tâm hơn.
Sống ở một huyện ngoại thành TP.HCM đã lâu nên chúc Tết bà con, bạn bè bằng một ly rượu đế đối với ông THL (46 tuổi) là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cách đây không lâu, sau khi uống ly rượu đế cùng bạn vào mùng 1 Tết, cả hai xây xẩm mặt mày, nôn mửa nên được người nhà đưa tới bệnh viện (BV) địa phương.
Tại đây, bác sĩ nói ông L và bạn uống phải rượu pha cồn công nghiệp nên bị ngộ độc methanol. May mắn cả hai uống ít, được phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên không ảnh hưởng sức khỏe nhiều.
“Rượu đế tôi mua ở tiệm tạp hóa quen đầu hẻm, trước giờ uống thấy bình thường. Đến khi có chuyện, tôi hỏi chủ tiệm mới tá hỏa khi họ trả lời thấy có người bán rượu dạo đi ngang nên mua lại để bán lẻ. Gần đây, cơ quan quản lý kiểm soát gắt nên tình trạng rượu pha cồn công nghiệp đã giảm hẳn, nếu có uống cũng an tâm hơn trước nhiều” - ông L chia sẻ.
TP đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân suốt Tết
Theo báo cáo của một số BV ở TP.HCM như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Lê Văn Thịnh, quận 12, huyện Bình Chánh, trong sáu ngày Tết Nguyên đán 2024 (từ ngày 9 đến 15-2, tức từ 30 đến mùng 5 Tết) không ghi nhận ca cấp cứu do ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu.
BS Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhân dân 115, cho biết thực phẩm trong những ngày Tết đưa ra thị trường từ nhiều nguồn, dễ có nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
“Tết năm 2024 không xảy ra ngộ độc thực phẩm cho thấy cơ quan quản lý của TP.HCM giám sát hiệu quả việc lưu thông và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn” - BS Tuấn nhận xét.
“Trong những ngày Tết, nhu cầu sử dụng rượu tăng nhưng BV huyện Bình Chánh không tiếp nhận trường hợp nào bị ngộ độc rượu. Được như vậy là nhờ sự giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu của cơ quan chức năng TP.HCM” - BS Võ Ngọc Cường, Giám đốc BV huyện Bình Chánh, chia sẻ.
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, có hai nhóm mà TP lo ngại nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm nhất là bếp ăn tập thể trong trường học và công ty. Tuy nhiên, do nghỉ Tết nên những nơi này không thể xảy ra ngộ độc cùng lúc nhiều người.
“Những ngày Tết, TP.HCM có nhiều lễ hội nên một khi Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và các quận, huyện, TP Thủ Đức giám sát không tốt, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người là điều khó tránh.
Tết này TP cũng không ghi nhận ca ngộ độc methanol do uống rượu pha cồn công nghiệp. Có nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó phải kể tới hiệu quả từ việc đo nồng độ cồn. Công an tăng cường đo nồng độ cồn trong Tết thì lượng rượu tiêu thụ giảm, kéo theo nguy cơ uống phải rượu pha cồn công nghiệp cũng ít hơn” - bà Lan nhấn mạnh.
Tết bình yên nhờ công sức cả năm
TP.HCM không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm trong Tết Nguyên đán 2024 là kết quả của cả quá trình kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh. Mỗi ngày bình yên, mỗi ngày ngộ độc thực phẩm không xảy ra là nhờ công sức của nhiều người trong cả năm.
Bên cạnh đó, người dân TP.HCM ngày càng ý thức cao trong việc ăn uống từ ngày thường cũng như ngày Tết. Họ ý thức được rằng bếp ăn của từng gia đình thì mỗi thành viên trong đó phải có trách nhiệm lựa chọn, bảo quản, nấu nướng thức ăn an toàn, tránh ngộ độc. Ngộ độc thực phẩm không xảy ra trong những ngày Tết chính là nhờ vào ý thức từ mỗi người dân.
PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN,
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM