Tết cháy nhà vì đang nấu ăn bỏ đi làm việc khác

Sáng 29-1 (mồng 2 Tết), trao đổi với PV báo Pháp luật Tp.HCM, Trung úy Chu Thị Lụa, cán bộ Trung tâm thông tin chỉ huy thuộc phòng tham mưu Cảnh sát PC&CC Tp.HCM cho biết như trên.

Những ngày này, khi hàng triệu người dân TP trở về vui vẻ quây quần bên gia đình, đi chơi Tết... thì những cán bộ đang công tác tại Trung tâm thông tin chỉ huy 114 nói riêng và những cảnh sát PCCC TP.HCM nói chung đều phải liên tục trực chiến. 

Tết vẫn gắn liền với máy móc, điện thoại, với những cuộc gọi báo cháy, nổ bất kể giờ giấc, ngày đêm. Niềm vui của họ đơn giản là những tin báo sớm, hạn chế thấp nhất hậu quả do hỏa hoạn gây ra, là những đồng chí đồng đội bình yên trở về sau những trận chiến với thần lửa. 

Cháy nhà dân ngày 30 Tết

Hỏa hoạn bùng phát ở ngôi nhà ở quận Tân Phú ngày 29 Tết khiến người dân gặp một phen hoảng loạn. Ảnh H. Tâm.

Vụ cháy nhà dân tại địa chỉ 472/15 Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7) là một minh chứng đau lòng.

Cụ thể vào khoảng 15 giờ 40 phút ngày 27-1 (tức 30 tết), những người sống xung quanh căn nhà phát hiện khói bốc lên nghi ngút cùng những tiếng tri hô thất thanh: “Cháy, cháy!”.

Người dùng nước, người dùng bình cứu hỏa mini nhanh chóng hỗ trợ dập lửa. Vụ cháy may mắn không thiệt hại về người nhưng gia chủ cũng mất tết và những hộ dân sống xung quanh cũng được phen tá hỏa trong ngày cuối năm.

Nguyên nhân ban đầu được xác định khả năng do người trong nhà nấu ăn nhưng bỏ đi ra ngoài dẫn tới hỏa hoạn.

Trung úy Lụa cho biết có hai nguyên nhân chính dẫn tới hỏa hoạn trong hai ngày Tết vừa qua đó là bất cẩn trong sử dụng điện và lửa.

Cũng trong ngày 27-1, một vụ cháy xảy ra do đốt vàng mã gây cháy lan ở Bình Chánh.

Phòng trung tâm chỉ huy mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc gọi báo cháy. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra vào chiều 29 tết tại một ngôi nhà hai tầng  ở quận Tân Phú, TP.HCM khiến người dân gặp một phen hoảng loạn.

Do hỏa hoạn bùng phát ngày một dữ dội, nhiều người huy động phương tiện để dập lửa tại chỗ nhưng bất thành. Cảnh sát PCCC quận Tân Phú ngay khi tiếp nhận thông tin đã nhanh chóng điều động năm phương tiện cùng nhiều cán bộ chiến sĩ có mặt phong tỏa hiện trường để khống chế hỏa hoạn. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi.

Cẩn thận để Tết an vui

Trung tá Nguyễn Mạnh Trưởng - Phó Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết những vụ hỏa hoạn do bất cẩn khi đun nấu hầu như năm nào cũng xảy ra.

“Khi nấu ăn phải có người trông coi. Trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra lại các thiết bị điện trong nhà đã ngắt điện hết chưa, đặc biệt là những nơi đun nấu, thờ cúng. Thấy bếp gas đã tắt lửa cũng phải kiểm tra lần nữa xem đã khóa van lại chưa hay tắt do đun nấu, nước tràn ra khiến tắt lửa chứ bếp, bình van chưa tắt, chưa khóa”, ông Trưởng khuyến cáo.

Trung tá Nguyễn Mạnh Trưởng - Phó Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ở thành phố, đa phần các gia đình nấu ăn bằng bếp gas và phần lớn là nấu ăn xong chỉ tắt bếp chứ không khóa van bình. Thói quen này dễ dẫn tới rò rỉ gas, nếu xảy ra trong phòng kín, chỉ cần mồi lửa nhỏ như bật công tắc điện, cầu dao, quẹt diêm, bật lửa...sẽ dẫn tới cháy nổ, chết người.. Bởi vậy trước khi ra khỏi nhà cần khóa kỹ van bình gas thay vì chỉ tắt bếp như bình thường.

Trung tá Trưởng cũng đặc biệt lưu ý những gia đình đi du lịch để xe trong nhà phải hết sức cẩn thận tránh chạm chập điện, rò rỉ xăng dầu dễ dẫn tới hỏa hoạn.

“Để xe trong nhà không được để gần bếp, các nguồn nhiệt. Cần kiểm tra kỹ điện xe máy, bình điện xe máy.  Nếu để xe lâu dài cần ngắt nguồn acquy khỏi thiết bị điện xe,  tránh chạm chập điện. Thực tế bình ắc quy có điện, việc đấu nối không đảm bảo sẽ dẫn tới tự chạm chập trong xe dẫn tới cháy nổ. Rất nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra do nguyên nhân này”, ông Trưởng cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm