Theo tờ PhilStar, hôm 26-7, Philippines cho hay một phái đoàn Triều Tiên do Thứ trưởng Ngoại giao Choe Hui-choi dẫn đầu cùng ngày đã đến Manila để tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 24 khai mạc vào đầu tháng 8.
Tờ báo Philippines cho biết phái đoàn Triều Tiên đã thảo luận với những người đồng cấp Philippines về công tác chuẩn bị cho sự tham dự hội nghị ARF sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã gặp người đồng cấp Philippines Enrique Manalo hôm 26-7.
The Diplomat bình luận cuộc gặp giữa quan chức hai nước đánh dấu các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra với sự tham gia của nhiều nhân tố khác nhau trong bối cảnh vấn đề Triều Tiên đang ngày càng báo động. Theo tạp chí của Nhật, ngoại trưởng các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản cũng tham dự hội nghị ARF. Đây là những nước tham gia đàm phán sáu bên nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên nhưng đối thoại đã rơi vào bế tắc vào năm 2006 khi Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi đối thoại.
Phái đoàn Triều Tiên do Thứ trưởng Ngoại giao Choe Hui-choi dẫn đầu đã đến Philippines hôm 26-7. Ảnh: AP
Cây bút chuyên về Đông Nam Á của The Diplomat, Prashanth Parameswaran trước đây từng lưu ý Bình Nhưỡng có thiết lập quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines. Kể từ khi khủng hoảng nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, nhiều khía cạnh trong các mối quan hệ này thường bị giảm nhẹ.
Đặc biệt hơn, theo chuyên gia Parameswaran, hội nghị ARF với Manila giữ vai trò chủ tịch ASEAN trong năm nay được dự đoán là cơ hội hiếm hoi để chứng kiến các nỗ lực ngoại giao liên quan tới vấn đề Triều Tiên, nhất là khi hội nghị có sự tham gia của sáu nước thành viên của Đối thoại 6 bên.
Bản chất việc Triều Tiên tham gia ARF năm nay đã thu hút được sự chú ý đặc biệt. Ông Parameswaran cho rằng điều này phản ánh báo động về vấn đề Triều Tiên ngày càng tăng. Triều Tiên không hề có dấu hiệu cho thấy chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân khi mới đây, ngày 4-7 đã cho phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khiến mối đe dọa từ nước này ngày một tăng lên. Tuy nhiên, ngoài những động thái cá nhân này, Bình Nhưỡng còn tiếp tục trò chơi ngoại giao. Bằng chứng là các nhà ngoại giao Triều Tiên thường xuyên gặp gỡ các quan chức Philippines để yêu cầu họ không gây áp lực quá nhiều tại các cuộc họp của ASEAN.
"Đây không phải lần đầu Triều Tiên cử các nhà ngoại giao hàng đầu kêu gọi khối ASEAN và Philippines, nước chủ tịch luân phiên của khối trong năm nay, cho Bình Nhưỡng thêm thời gian” - một nhà ngoại giao thạo tin về chuyến thăm này nói với Reuters.
Vào đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã phái các nhà ngoại giao đến Manila để kêu gọi Chủ tịch ASEAN đừng làm nước này lúng túng trong cuộc họp khu vực mà các bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ sắp tham dự. Triều Tiên cũng gửi một bức thư tới tổng thư ký ASEAN yêu cầu trợ giúp tương tự.
Một nhà ngoại giao Triều Tiên cũng đã gặp đại sứ Philippines tại Bắc Kinh với yêu cầu tương tự, đồng thời mời ông Alan Peter Cayetano, Ngoại trưởng Philippines tới thăm Bình Nhưỡng.
Ông Cayetano nói trong một cuộc họp báo: "Họ muốn tôi từ Trung Quốc đến thẳng Bình Nhưỡng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có kế hoạch đi thăm Triều Tiên. Chúng tôi thực sự phải tham vấn ý kiến với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Mỹ.”
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 23 diễn ra tại Lào hồi năm 2016. Ảnh: The Diplomat
Tờ The Diplomat cho hay chưa biết chính xác những gì sẽ diễn ra tại hội nghị ARF vào tháng tới. Cũng không có gì bất ngờ khi chính phủ Philippines cũng mập mờ về nội dung đã thảo luận tại cuộc gặp với phái đoàn Triều Tiên. Mặc dù Ngoại trưởng Philippines Alan Peter xác nhận Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su-yong sẽ tham dự hội nghị ARF, song ông cũng nói bất chấp những lời đề nghị từ Triều Tiên, kể cả lời mời ông tới Bình Nhưỡng, Manila cũng sẽ tiếp tục tham vấn với các thành viên ASEAN khác. Do đó, điều khiến người ta trông đợi nhiều nhất chính là bản tuyên bố sau hội nghị.
Những nỗ lực xoa dịu gần đây của Triều Tiên đã thất bại, đáng chú ý nhất là dù đã hết sức “nhờ cậy” nhưng hồi năm ngoái khi Lào giữ chức chủ tịch ARF, tuyên bố vẫn chứa những ngôn từ vô cùng mạnh mẽ chống lại Bình Nhưỡng. Các tuyên bố trước đó của ASEAN về Triều Tiên cũng không mấy ôn hòa hơn. Điều này phản ánh sự thất vọng ngày càng lớn của một số quốc gia Đông Nam Á với các hành vi gần đây của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng không công khai phủ nhận khả năng về một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng nước này Kang Kyung-wha với người đồng cấp Triều Tiên. Bên cạnh các cuộc gặp dự kiến diễn ra bên lề hội nghị ARF, việc các quan chức chính phủ Tổng thống Trump sẽ nói về vấn đề an ninh khu vực, đó sẽ là điều khiến giới quan sát theo dõi sát sao, tờ The Diplomat kết luận.