Năm 2017, lượng than Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã tăng 36,3%, so với 25,3% trong năm 2016, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan. Chỉ trong tháng 12-2017, lượng than nhập khẩu là 2,14 triệu tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu từ Mông Cổ 33,58 triệu tấn than, tăng 27,6% so với năm 2016.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên vào cuối tháng 2-2017, khoảng một tuần sau khi nước này phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung.
Năm 2016, Trung Quốc đã mua hơn 20 triệu tấn than Triều Tiên khiến nước này trở thành nhà cung cấp than lớn thứ tư của Trung Quốc sau Úc, Indonesia và Mông Cổ.
“Phần lớn thị trường Triều Tiên để lại đã bị Nga thâu tóm và vì giá than ở Nga rẻ hơn ở khu vực phía Bắc Trung Quốc” - ông Cheng Gong, một nhà phân tích thuộc Hiệp hội Than Trung Quốc, cho biết.
Hàng ngàn xe tải chở than qua sa mạc Gobi ở Mông Cổ để tới biên giới Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Năm 2017, Úc là nhà cung cấp than lớn nhất của Trung Quốc trong sáu năm liền, do ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân tăng cao. Lượng than Trung Quốc nhập khẩu từ Úc cũng lên tới 79,91 triệu tấn, tăng 13,4% so với năm 2016.
Nguồn than ở Úc có hàm lượng thấp sulfua, tro và mang lại giá trị năng lượng cao hơn nên được xem là loại nhiên liệu cao cấp hơn so với nguồn than từ Mông Cổ và Ấn Độ.
Vào cuối tháng 11-2017, Bắc Kinh đã nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu than để đảm bảo có đủ nguồn than trong thời điểm mùa đông.
Dữ liệu được công bố vào đầu tháng này cũng cho thấy tổng lượng than Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 12 lên tới 22,74 triệu tấn, tăng 3% so với tháng 11.
Theo hãng cung cấp thông tin Thomson Reuters, trong tháng 1-2018 Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 20 triệu tấn than.