"Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3".
Tôi không khuyến khích mọi người về Phú Thọ dự lễ để chen chúc, ngột ngạt. Nhớ, cứ để trong lòng và bằng những việc làm thiết thực quanh năm, không riêng gì tháng 3.
Đã là con dân Việt, dù ở đâu, trước khi nhắm mắt xuôi tay, phải về đền Hùng bái lạy tổ tiên. Nếu chưa có dịp thì bái vọng.
Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ - nơi thờ cúng các vua Hùng cội nguồn dân tộc. Đền xây từ thế kỷ X, trên núi Hùng, thuộc đất cổ Phong Châu 4.000 năm trước gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng; địa thế ngoạn mục, hùng vĩ, linh khí và sơn thuỷ hội tụ. Núi Hùng còn gọi là núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, cao 175 m. Tục truyền, núi Hùng là đầu rồng hướng Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc tạo thảnh“Tam sơn cấm địa”.
Hãy thử sức và thể hiện lòng thành, vượt 495 bậc thang giữa rừng cây xanh mát của các đại thụ như chò, thông,…hoặc cây cổ sơ như kim giao, thiên tuế,…để lần lượt đến viếng từng hạng mục.
Được biết, từ năm 2017, đền Hùng miễn hoàn toàn vé tham quan. Mỗi người con dân Việt, nòi gi6o1ng con Rồng cháu Tiên, hãy một lần đặt chân về đất Tổ - vua Hùng.
Mời bạn đọc hãy cùng tìm hiểu những nét kiến trúc cơ bản của Đền Hùng:
Cổng Đền
Xây năm 1917, hướng chếch Nam, kiểu vòm cuốn, cao 8m5, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống, có cửa vòm cuốn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổiNghê. Cột trụ và cổng đắp phù điêu võ sỹ cầm giáo và rìu chiến. Giữa tầng là đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (Lên núi cao nhìn xa rộng) hay“Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hổ canh giữ thần.Từ cổng đền, vượt 225 bậc thang là đến đền Hạ.
Cổng Đền Hùng
Đền Hạ
Tương truyền là nơi Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở 100 con. Nguồn gốc “đồng bào”(cùng bọc) được bắt nguồn như vậy. Sau đền còn dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng.Đền xây lại vào thế kỷ XVII – XVIII, kiểu chữ “Nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1m5, xây liền tường, hai bên đắp phù điêu voi và ngựa. Ngay chân đền Hạ là Nhà bia, kiến trúc lục giác, 6 mái lợp gạch bìa, đỉnh hình nậm rượu, cột gạch xây tròn, chân.
Cạnh đền Hạ có chùa Thiên Quang kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian). Phía sau là hành lang và nhà Tổ. Các toà làm kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa lợp ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp“Lưỡng long chầu nguyệt”.
Cây thiên tuế 3 ngọn 800 năm tuổi trước chùa Thiền Quang tại đền Hạ.
Trước chùa có cây thiên tuế hơn 800 tuổi 3 ngọn và 2 tháp sư hình trụ 4 tầng,cửa vòm nhỏ, nóc đắp hình hoa sen, lòng tháp rỗng, trong có bát nhang và bia đá khắc tên các vị hoà thượng tu hành và viên tịch tại chùa.
Gác chuông gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng giường kết hợp bẩy lẻ không chạm trổ. Chuông chùa có niên đại thời Hậu Lê với dòng chữ: “Đại Việt quốc, Sơn Tây dạo Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Từ đền Hạ, qua 168 bậc thang là tới đền Trung.
Đền Trung
Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu)
Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và bàn việc nước. Là nơi vua Hùng thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo làm ra bánh chưng, bánh dày.
Đền xây hình chữ “Nhất”, có 3 gian quay về hướng Nam, dài 7m2, rộng 3m7. Mái hiên cao 1m8, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, phía trước mở 3 cửa. Trước đền có những khối đá lớn nhỏ làm bàn ghế của Lạc hầu, Lạc tướng, rợp bóng mát và hương sứ cổ thụ. Từ đền Trung, vượt tiếp 102 bậc thang là tới đền Thượng.
Đền Thượng
Đền Thượng và Lăng Hùng Vương
Tương truyền Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnhlàm lễ tế trời đất, thần lúa; cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Cũnglà nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban người tài ra giúp đánh giặc Ân. Khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) và“Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong đền có bức đại tự“Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền kiểu chữ “Vương”, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, xây dựng qua bốn cấp khác nhau : nhà chuông trống (cấp I), đại bái (cấp II), tiền tế (cấp III) và hậu cung (cấp IV).
Bên trái đền là Cột Đá Thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước. Cột đá cao 1m3, rộng 0m3, hình vuông. Nay được làm mới bằng đá mã não Tây Nguyện, chẳng ăn nhập gì với lịch sử.
Phía Đông Đền Thượng là mộ vua Hùng thứ 6, đầu đội sơn, chân đạp thủy, hướng Đông Nam,hình chữ nhật dài 1m3, rộng 1m8, cao 1m, mái mui luyện.. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh đắp hình “quả ngọc” theo tích “Cửu long tranh châu”. Mái đắpngói ống, 3 phía đắp hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam có cửa vòm, 2 bên cửa đắp kỳ lân, tường bao quanh bằng đá, trang trí hoa. Bia đá trong lăng ghi: “Biểu chính” (lăng chính). Ba mặt lăng đều ghi: “Hùng Vương lăng”.Từ đây có lối riêng xuống đền Giếng và chân núi, không đi lối cũ.
Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh)
Tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ. Đền xây vào thế kỷ XVIII, hướng Đông Nam, kiểu chữ Công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian); có phương đình nối tiền bái với hậu cung.
Cổng Đền Giếng 2 tầng 8 mái, cửa vòm, hai bên có cột trụ nghê chầu. Giữa cổng có bức đại tự: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Hai bên có câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hai con hổ.
Nếu còn thời gian, nên tham quan bảo tàng Hùng Vương và viếng đền Lạc long Quân, đền Âu Cơ.
Mỗi lần đưa khách về đất Tổ, lòng dạ cứ nao nao. Đứng trước Cột Đá Thề lại miên man chuyện dùng người của tổ tiên. An Dương Vương không phải là dòng dõi hoàng tộc nhưng là người mưu lược tài trí, được vua Hùng tín nhiệm giao ngôi. Bài học vỡ lòng về dụng nhân sâu sắc.
“Mấy ngàn năm cột đá vẫn còn đây.
Sao những lời thề không khắc vào đá?
Có phải những lời thề thiêng liêng trừ giặc giã,
Đã tạc tự bao đời – trong dạ mỗi người dân??” (Báo Văn Nghệ)
Ngẩn ngơ trước bộ bàn ghế đá đơn sơ dưới bóng sứ cổ thụ. Nghe như tiếng thầm thì bàn việc nước của Lạc hầu, Lạc tướng xa xưa. Cổng đền thờ các anh hùng dân tộc luôn quay về hướng Bắc. Cổng đền Hùng lại chếch hướng Nam. Tổ tiên mình quá thâm thúy.
“Đứng trước đền Sóc Sơn tôi hỏi các cụ già:
Sao những cổng đền luôn quay về hướng Bắc?
Các cụ cười rung chòm râu thưa
Phía ấy, ngày xưa, thường có giặc!” (Báo Văn Nghệ)