Sáng 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 28, dự kiến diễn ra trong ba ngày là 13, 14 và 18-12.
Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên (tỉnh Bắc Giang); việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).
Theo đó, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích và dân số gần 9.200 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa. Sau khi nhập, thị trấn Thiệu Hóa có diện tích hơn 17,2 km2 và dân số là hơn 28.350 người.
Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho phép thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng diện tích hơn 10,4 km2 và dân số hơn 12.000 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).
Sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền, tỉnh Thanh Hoá không thay đổi về diện tích, dân số, có 558 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã).
Huyện Thiệu Hóa không thay đổi về diện tích và dân số, có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và hai thị trấn.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2024.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh các đơn vị hành chính được thành lập mới phải hoàn thành việc đổi tên để hoạt động với tên gọi quy định tại nghị quyết này kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Cũng tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng hơn 171 km2 diện tích và dân số hơn 229.100 người của huyện Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang.
Chín phường thuộc thị xã Việt Yên được thành lập, gồm: Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn.
Như vậy, thị xã Việt Yên có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm chín phường nêu trên và tám xã là Hương Mai, Nghĩa Trung, Minh Đức, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Vân Hà, Việt Tiến.
Nghị quyết cũng nêu rõ thành lập TAND thị xã Việt Yên trên cơ sở kế thừa TAND huyện Việt Yên; thành lập VKSND thị xã Việt Yên trên cơ sở kế thừa VKSND huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2024.
Quốc hội có thể họp bất thường vào trung tuần tháng 1-2024
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 19 nội dung.
Trong đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV kết thúc vào ngày 29-11 vừa qua, theo thông lệ, phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nhận định, đánh giá toàn diện về kỳ họp, kể cả về chương trình, điều hành và kết quả.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến sơ bộ về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 vào tháng 5-2024.
Theo người đứng đầu Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6, có hai dự án luật Quốc hội đã quyết định tạm thời chưa thông qua là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Quyết định nói trên nhằm có thêm thời gian chuẩn bị, để bảo đảm chất lượng các dự án Luật rất quan trọng này.
Ngoài ra, có một số nội dung rất quan trọng khác như Quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội cũng như một số nội dung về tài chính- ngân sách còn tồn đọng thuộc quyền hạn của Quốc hội và một số dự án quan trọng quốc gia khác...
Do vậy, cần phải tính đến khả năng từ giờ đến Kỳ họp thứ 7 có thể có thêm một kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và cấp bách trước mắt.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiến độ chuẩn bị các dự án luật và các dự thảo nghị quyết này.
Ông nêu rõ dự kiến thời gian kỳ họp bất thường diễn ra trung tuần tháng 1-2024. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tổ chức các phiên họp không thường kỳ để cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.