Liên quan đến vụ Cụm công nghiệp (CCN) Phước Tân, TP Biên Hòa xây dựng trái phép, ngày 31-7, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thường cho biết hiện cơ quan chức năng của tỉnh đang thanh tra toàn diện để có hướng xử lý.
CCN rộng 72 ha này đang có hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động nhưng trái phép.
Sai phạm nghiêm trọng
Theo hồ sơ, tháng 8-2015, Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Việt Bảo Minh xin chủ trương thành lập CCN tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân. Bốn tháng sau, tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận chủ trương thành lập CCN trên. Sau đó công ty có văn bản đăng ký làm chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức thành lập CCN Phước Tân.
Vào thời điểm Đồng Nai chấp thuận chủ trương thành lập CCN Phước Tân thì trước đó bảy tháng (27-5-2015), Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 không có tên CCN Phước Tân.
Chưa hết, khu đất lập CCN theo quy hoạch chung TP Biên Hòa đã được Đồng Nai phê duyệt có chức năng đất công viên rừng trồng nhưng không hiểu sao tỉnh lại chấp thuận chủ trương trên.
Do tỉnh đã chấp thuận chủ trương nên UBND TP Biên Hòa yêu cầu Công ty Việt Bảo Minh lập hồ sơ trình cho các cơ quan chức năng thẩm định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho điều chỉnh, cập nhật chức năng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của khu đất phù hợp với mục tiêu đầu tư. Song song đó, UBND TP Biên Hòa cũng yêu cầu Công ty Việt Bảo Minh xem xét các ý kiến đóng góp của các đơn vị chức năng để hoàn thiện hồ sơ làm cơ sở để UBND TP báo cáo cấp trên.
Dù chưa đủ các thủ tục pháp lý nhưng từ năm 2015, công ty đã chia lô bán cho các doanh nghiệp và họ xây nhà xưởng; điện lực cấp điện công nghiệp (ba pha) để hoạt động. Hiện gần 60 doanh nghiệp đã xây dựng 150.000 m2 nhà xưởng trên đất rừng trồng, nhiều khu nhà xưởng đang hoàn thiện.
Một góc cụm công nghiệp lụi Phước Tân. Ảnh: VŨ HỘI
Doanh nghiệp kêu cứu
Sau khi phát hiện sai phạm, chủ tịch tỉnh Đồng Nai có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm 11 đơn vị, do lãnh đạo Sở TN&MT làm trưởng đoàn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ. Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã điều chuyển chủ tịch UBND xã Phước Tân về Phòng Kinh tế Biên Hòa để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
TP Biên Hòa có văn bản yêu cầu xã Phước Tân cưỡng chế đối với sáu trường hợp xây dựng trái phép; phối hợp với các đơn vị xử lý dứt điểm 52 công trình vi phạm theo quy định, đồng thời đề nghị xem xét, tạm dừng cấp điện tại CCN Phước Tân theo quy định.
Trước sự vào cuộc của cơ quan chức năng, gần 60 doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp tới khắp các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai.
Đại diện của các doanh nghiệp cho rằng hầu hết họ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động lâu nhất cũng đã 10 năm nay. Các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng nhà xưởng đều đã tìm hiểu thông tin trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, khu vực CCN. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp đã được cấp quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng.
“Chúng tôi kiến nghị tạm dừng cưỡng chế đối với một số nhà xưởng, có lộ trình tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục để giảm thiệt hại cũng như đảm bảo cuộc sống của hơn 2.000 gia đình công nhân lao động. Hiện các doanh nghiệp ở đây có tổng số vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, trong đó có 50%-70% là vốn vay ngân hàng. Nếu thực hiện cưỡng chế thì chúng tôi có nguy cơ phá sản…” - đại diện một doanh nghiệp cho biết.
điều khiến dư luận băn khoăn là cả CCN 72 ha xây lụi không thể chỉ có trách nhiệm của xã. Thanh tra đang làm rõ mọi khúc mắc này.