Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc-châu Phi 2019 được kỳ vọng sẽ tiếp nối nội dung từ Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi tổ chức ở Bắc Kinh trong năm 2018 liên quan đến chống khủng bố, mở rộng đào tạo quân sự và phối hợp tập trận chung.
Theo tờ South China Morning Post, các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đang giảm dần hoạt động tại châu Phi thì Trung Quốc lại chủ trương tăng ảnh hưởng ở Lục địa Đen qua Sáng kiến Vành đai-Con đường và tăng cường hợp tác quân sự.
Tuy nhiên, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng này của Bắc Kinh gặp phải nhiều chỉ trích cho rằng nước này đang muốn dùng "bẫy nợ" để kiểm soát các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại châu Phi thực chất không chỉ gói gọn trong vai trò thành viên thuộc Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Nước này hiện đang đặt một căn cứ quân sự ở Djibouti, căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.
Binh sĩ Trung Quốc trong Lực lượng Gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc. Ảnh: VCG
"Nội dung chính của Diễn đàn năm nay sẽ chuyên sâu và chi tiết hơn. Nhiều nước châu Phi từ lâu đã yêu cầu tăng cường hợp tác an ninh với Trung Quốc. Đây cũng là điều được Liên Hiệp Quốc ủng hộ và nó cũng giúp bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi", chuyên gia Wang Hongyi thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc chia sẻ với đàiPressTV (Iran).
Trong chuyến thăm Ethiopia vào tháng 2-2019, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông nhấn mạnh bất ổn chính trị, khủng bố và thiếu nguồn kinh phí cho các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi là những vấn đề an ninh cấp bách.
Nhà nghiên cứu Cobus van Staden tại Viện các vấn đề quốc tế Nam Phi đánh giá giới lãnh đạo châu Phi mong đợi về kết quả từ hợp tác đào tạo và chia sẻ thông tin tình báo với Bắc Kinh. Các nước này cũng sẵn sàng tạo điều kiện để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng lên châu Phi.
Được biết, trong giai đoạn 2014-2018, Trung Quốc là quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu cho 26 quốc gia châu Phi. Trong đó, nước này đã bán xe thiết giáp CSK-131 cho Cộng hoà Trung Phi, máy bay vận tải Harbin Y-12 cho Mali và tên lửa Red Arrow-9A cho Rwanda. Số liệu từ Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy doanh thu từ châu Phi chiếm 1/5 lợi nhuận từ việc bán vũ khí của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Olusegun Sotola thuộc Viện Phân tích Chính sách công Nigeria, việc Trung Quốc nhiệt tình với châu Phi xuất phát từ lợi ích thương mại tại châu lục này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn có thêm nhiều đối tác trên thế giới.
“Nhìn chung mọi quốc gia đều cần đồng minh ở mức nào đó, nên việc Trung Quốc có châu Phi là rất tốt. Dù vậy điều này phụ thuộc quốc gia nào họ đang muốn hợp tác, và hợp tác trên phương diện thương mại hay quân sự”, ông Sotola cho biết.