Thấy gì từ chính sách đối ngoại tổng thống Trump 2018?

(PLO)- Chính trị thế giới năm 2018 khép lại với một cái tên được nhắc đến nhiều nhất: Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Với mục tiêu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của ông đã có những bước đi được cho là hết sức mạo hiểm và phi truyền thống. Bên cạnh những lời khen ngợi là những chỉ trích về việc Trump đang nhổ bỏ tất cả những thành quả ngoại giao mà các đời Tổng thống trước đã cố gắng vun đắp.

Sau khi đồng loạt rút khỏi các Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 và Hiệp định TPP, cũng như những bất đồng với các thành viên khác trong khối NATO và khối NAFTA tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6, Tổng thống Donald Trump đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ, đó là các đồng minh của Mỹ cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về cán cân quyền lợi, vốn trong mắt ông Trump, Mỹ đang phải chịu phần thiệt thòi hơn.

Ngay cả Canada, vốn là một đồng minh lâu năm, cũng hứng chịu những chỉ trích tương tự của ông Trump. Trong quá trình đàm phán lại Hiệp định NAFTA, Donald Trump được cho là đã gọi Thủ tướng Canada là “thiếu trung thực” và “yếu đuối” trong một nỗ lực bất thành nhằm làm giảm vị thế của Canada trên bàn thương thuyết. Globe and Mail, tờ báo có số lượng độc giả lớn nhất quốc gia này, liền sau đó đã cho đăng bài viết cảnh báo “Mối quan hệ giữa Mỹ và Canada đang ở mức thấp đáng báo động”. Thậm chí, ngay trước khi hội nghị diễn ra, Tổng thống đã ký quyết định áp thuế lên các mặt hàng nhôm và thép của châu Âu.

Thêm vào đó, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Vũ khí hạt nhân tầm trung với Nga (INF) cũng làm dấy lên rất nhiều tranh cãi khi không có động thái nào trấn an các đồng minh châu Âu, vốn đều dựa vào bản hiệp ước này để ngăn không cho tên lửa của Nga có đủ khả năng đe dọa các quốc gia này.

Một số ý kiến cho rằng hiệp ước này chỉ là danh nghĩa trên giấy tờ khi cả hai đều đã gần như vi phạm hiệp ước. Việc rút khỏi INF còn cho phép Mỹ có khả năng phát triển quốc phòng để đối phó với Trung Quốc, vốn là một mối nguy lớn hơn.

Một số khác lại nhìn vào quyết định này như một cái thúc vai của Mỹ để các nước châu Âu, đặc biệt là các nước thuộc NATO, chịu chi thêm ngân sách vào quốc phòng của khối để làm nhẹ đi gánh nặng cho Mỹ. Tuy nhiên, với việc Mỹ đi đến quyết định này mà không tham vấn các thành viên trong khối có thể khiến cho Mỹ bị cô lập và gieo nghi ngờ vào khả năng đảm bảo an ninh của cường quốc này.

Trong lúc mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh ở lục địa già vẫn chưa được cải thiện, Tổng thống Mỹ lại tiếp tục một bước đi đầy bất ngờ và có phần khó hiểu khi ra lệnh rút quân ra khỏi Syria vào tháng 12. Quyết định này của ông như can dầu đổ thêm vào lửa khi hàng loạt các đồng minh thể hiện sự lo ngại rằng việc rút quân của Mỹ sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực chống khủng bố, khi các lãnh thổ mà liên minh phương Tây kiểm soát được vẫn chưa được ổn định, và để lại một “khoảng trống quyền lực” mà không ai khác ngoài Nga sẽ lấp vào.

Một tuyên bố từ phía chính phủ Anh cho biết: “Chúng ta không được để mất cảnh giác về mối nguy hại. Dù không còn lãnh thổ, IS vẫn là một mối đe dọa”. Ngoài ra, đã có những báo cáo chiến trường về việc một số tiền đồn của Mỹ đã bị tấn công sau khi tuyên bố của ông Trump được phát ra.

Israel, một đồng minh thân cận ở Trung Đông của Mỹ, cho biết họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định rút quân của Mỹ và sẽ “mở rộng hoạt động của chúng tôi ở đây nếu cần”. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định Israel hiện tại đang khá bất an khi giờ đây họ phải một mình chống lại lực lượng Hezbollah và Iran mà không có Mỹ.

Cùng ở khu vực Trung Đông, mối quan hệ giữa Mỹ với Ả Rập Saudi được đánh giá là vẫn tốt đẹp và chưa có dấu hiệu căng thẳng. Việc Ả Rập Saudi thoát khỏi cơn thịnh nộ của ông Trump có thể giải thích bằng nhiều bằng lí do, một trong số đó là mối quan tâm chung về an ninh ở khu vực Trung Đông.

Các vấn đề hợp tác chống khủng bố, ổn định khu vực và mối nguy Iran chính là sợi dây liên kết hai quốc gia không hề có điểm chung nào về mặt văn hóa này. Thêm vào đó, Washington tỏ thái độ ủng hộ Ả Rập Saudi khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra bằng chứng cho thấy chính quyền Saudi đứng đằng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, nổi danh với các bài báo chỉ trích chính quyền nước này vào tháng 10.

Nhiều nhà quan sát cho rằng hành động này của Mỹ là nhằm bảo vệ những hợp đồng mua bán khí tài với Saudi. Mặc dù vậy, mối quan hệ này khiến Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm khi Ả Rập Saudi mở rộng can thiệp ở Yemen vào năm 2018. Thành quả của cuộc chiến này cho đến nay vẫn chỉ là tình trạng đói nghèo khủng khiếp và sự thật đau lòng là những khí tài của Mỹ bán cho chính quyền Saudi được dùng để chống lại người dân ở đây.

  

Năm 2018, cả thế giới chứng kiến quan hệ giữa hai cường quốc này xấu đi nhanh chóng với đỉnh điểm là sự bùng nổ của cuộc chiến tranh thương mại khi Tổng thống Donald  Trump nổ phát súng đầu khi áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỉ USD.

Sau nhiều đợt đánh thuế qua lại lẫn nhau, cả hai đã đạt được thỏa thuận tạm đình chiến 90 ngày cùng những nhượng bộ nhất định từ hai bên. Tuy nhiên liền sau đó, Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh Văn Chu, Giám đốc Tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei sau các cáo buộc Huawei hỗ trợ công tác gián điệp của Bắc Kinh nhắm vào chính quyền Mỹ.

Trung Quốc cho biết việc bắt giữ bà Mạnh sẽ không gây ảnh hưởng gì đến tiến trình đàm phán với Mỹ. Với tuyên bố này, Trung Quốc được cho là đang lâm vào thế yếu hơn trong cuộc đối đầu với Mỹ. Vì vậy cần phải nhượng bộ Mỹ để có thể nhanh chóng kết thúc mâu thuẫn thương mại vốn đã khiến cho Trung Quốc thiệt hại không ít.

Thêm vào đó, với việc Washington nhắm vào các nhân vật Trung Quốc trọng yếu ngoài chính trị cho thấy bên cạnh mặt trận thương mại, cuộc chạy đua về công nghệ cũng đang được mở ra trong nỗ lực giành lấy quyền quyết định trật tự thế giới giữa hai quốc gia này.

Điều này cũng thể hiện mối lo ngại của Mỹ trước tham vọng trở thành cường quốc công nghệ với kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 4, Mỹ đã ký lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với ZTE, một tập đoàn công nghệ khổng lồ khác của Trung Quốc, khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đích thân can thiệp để “cứu nguy”.

Ở Hội nghị Cấp cao ASEAN thứ 13 tại Singapore, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo sẽ không có chỗ cho “đế quốc và sự gây hấn” trong bài phát biểu mở đầu Hội nghị, ám chỉ sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực biển Đông và kêu gọi các nước thành viên hoàn thành bộ Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Bài phát biểu của ông Pence chỉ là một trong những động thái phản đối của Washington đối với các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này trong năm nay, bên cạnh sự gia tăng các cuộc tuần tra trên biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải.

Giữa hai bên từ đầu năm đến nay đã xảy ra một cuộc chạm trán quân sự, với sự kiện đáng chú ý vào tháng 11 khi một tàu Trung Quốc tiếp cận một tàu khu trục Mỹ ở khoảng cách chưa đến 41m, làm gia tăng căng thẳng ở điểm nóng này. Nhiều nhà phân tích lo sợ sẽ nổ ra một cuộc chiến quân sự trong tương lai gần giữa Mỹ và Trung Quốc nếu như không có biện pháp xuống thang xung đột nào.

Các diễn biến trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung cho thấy Mỹ giờ đây đã xem Trung Quốc như một mục tiêu chiến lược trong chính sách ngoại giao của mình. Một số nhà quan sát cho rằng cuộc đối đầu giữa hai cường quốc này mang màu sắc của một cuộc Chiến tranh lạnh hiện đại.

Năm 2018 đã là một năm khó quên trong lịch sử bán đảo Triều Tiên khi lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ có một cuộc gặp mặt trực tiếp với người đồng cấp Triều Tiên. Nhìn lại 2017, khi cả hai quốc gia này dường như đã ở bên miệng hố chiến tranh với những động thái cứng rắn và phát ngôn khiêu khích, điều này thật sự không khác gì một phép màu và là một kỳ tích ngoại giao cho nước Mỹ.

Với sự đối đầu và thù hằn nhường chỗ cho hợp tác và đồng thuận, cả hai bên đã thống nhất cùng đi đến tuyên bố phi hạt nhân hóa toàn bán đảo Triều Tiên cũng như cam kết một kết thúc chính thức cho chiến tranh Triều Tiên.

Một số nhà phân tích nhận định để có được kết thúc có hậu này một phần không nhỏ nhờ vào sự thay đổi trong tư duy của Bình Nhưỡng khi họ cuối cùng cũng nhận ra việc theo đuổi chương trình hạt nhân sẽ không đem lại bất kỳ sự cải thiện nào cho tình trạng nghèo đói của quốc gia họ. Song, những nỗ lực của ông Trump để thúc đẩy cho tiến trình hòa bình ở điểm nóng này vẫn rất đáng ghi nhận.

Thái độ này khác xa so với thái độ cứng rắn của ông Trump với Iran. Vào tháng 5, ông Trump giữ đúng lời hứa với cử tri của mình và rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump tiếp tục tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Iran.

Với việc để mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Trump nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh đường lối ngoại giao để đạt được sự đồng thuận từ phe đối lập. Vì vậy năm 2019 chúng ta có thể sẽ lại thấy một nước Mỹ truyền thống với ít hơn những bước đi mạo hiểm như hai năm vừa rồi.

Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi ông Trump thật sự muốn tìm kiếm sự nhất trí lưỡng đảng. Và trường hợp xấu nhất là sự hỗn loạn, chia rẽ trong nội bộ Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách ngoại giao trong năm 2019 của cường quốc số một thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm