Thấy gì từ việc Trung Quốc hủy loạt đối thoại quốc phòng với Mỹ?

(PLO)-  Nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự gia tăng khi Trung Quốc quyết định hủy loạt cơ chế đối thoại quốc phòng với Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-8, Trung Quốc (TQ) công bố 8 biện pháp đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Trong đó, 3 biện pháp đầu tiên liên quan đến việc hủy bỏ các cuộc đối thoại quan trọng giữa quân đội TQ và Mỹ.

Cụ thể, Bắc Kinh hủy các cuộc thảo luận cấp chiến khu, các cuộc họp Điều phối chiến lược quốc phòng (DPCT), các cuộc họp Thỏa thuận tham vấn quân sự trên biển (MMCA) với Mỹ. Những cuộc đối thoại này đại diện cho các cấp độ liên lạc khác nhau giữa quân đội TQ và Mỹ, giúp giữ ổn định quan hệ giữa 2 lực lượng cũng như quan hệ song phương.

Các cuộc đối thoại này là gì, đã có tiền lệ bị hủy bỏ chưa?

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), trong thỏa thuận tham vấn quân sự giữa TQ và Mỹ vào tháng 1-1998 được tổ chức sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1996, TQ và Mỹ đã đồng ý tổ chức một cuộc họp hàng năm gọi là MMCA để thảo luận về các biện pháp an ninh hàng hải, thông tin liên lạc giữa hải quân 2 nước, vấn đề tìm kiếm cứu nạn và nhiều vấn đề khác.

Còn DPCT được thiết lập vào năm 2005, là một nền tảng liên lạc hàng năm giữa bộ quốc phòng TQ và Mỹ. Trong cơ chế này, 2 bên sẽ trao đổi về các vấn đề quan trọng và phối hợp làm việc giữa 2 bộ. Trong những năm gần đây, chủ đề DPCT tập trung vào quản lý khủng hoảng.

Trực thăng chống ngầm Ka-28 của quân đội TQ trên boong tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Type 052C Trường Xuân vào ngày 8-8 khi các cuộc tập trận quanh Đài Loan đang diễn ra. Ảnh: XIN HUA

Trực thăng chống ngầm Ka-28 của quân đội TQ trên boong tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Type 052C Trường Xuân vào ngày 8-8 khi các cuộc tập trận quanh Đài Loan đang diễn ra. Ảnh: XIN HUA

Còn đàm phán giữa chỉ huy chiến khu Mỹ - Trung là cơ chế mới. Phải nói sơ qua là trong quá trình tái cơ cấu, quân đội TQ đã cử ra 5 chỉ huy chiến khu và trao cho những người này quyền chỉ huy hoạt động và ra quyết định về các vấn đề ở tiền tuyến.

Trong những năm gần đây, khi TQ tăng cường sự hiện diện trong khu vực châu Á thì quân đội TQ, đặc biệt là các lực lượng chiến khu miền nam và đông, thường xuyên có nguy cơ đụng độ với quân Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong trường hợp xảy ra va chạm khẩn cấp, kênh liên lạc trực tiếp giữa các chỉ huy chiến khu của TQ và Mỹ này có thể ngăn một cuộc xung đột nổ ra.

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh hủy bỏ đối thoại DPCT với Mỹ. Tuy nhiên, vào năm 2020, dù hai bên đều nhận thấy tầm quan trọng của DPCT trong việc xem xét lại các sự cố không quân xảy ra ngày càng nhiều và đưa ra các biện pháp cải thiện an toàn hàng hải, hàng không, nhưng cuộc họp trực tuyến này đã không diễn ra.

Lý do là Mỹ cáo buộc TQ không tôn trọng thỏa thuận, bỏ lịch họp theo kế hoạch còn TQ nói Mỹ không chuyên nghiệp, không thân thiện, tìm cách ép TQ trong các vấn đề về chương trình nghị sự. Sau đó, vào năm 2021 thì cuộc họp này diễn ra bình thường.

Còn đối thoại MMCA đã bị hủy bỏ 2 lần khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng. Lần thứ nhất là vào năm 1999, khi máy bay Mỹ đánh bom nhầm vào đại sứ quán TQ ở thủ đô Belgrade (Serbia) và lần hai là vào năm 2001, chiến đấu cơ TQ va chạm với máy bay do thám Mỹ ở Biển Đông khiến phi công TQ mất tích.

Khởi đầu của cuộc khủng hoảng Đài Loan mới?

Ông Châu Bột - cựu sĩ quan quân đội TQ và hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế của ĐH Thanh Hoa (TQ) đánh giá đây là biện pháp mạnh tay nhất từ trước tới nay của TQ, theo tờ China Daily.

Chiến đấu cơ TQ tập trận quanh Đài Loan vào ngày 7-8. Ảnh: XIN HUA

Chiến đấu cơ TQ tập trận quanh Đài Loan vào ngày 7-8. Ảnh: XIN HUA

Cùng quan điểm với ông Châu, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế của quân đội TQ xin phép không nêu tên nói rằng các biện pháp này khá quyết liệt.

Người này cho rằng các cuộc đối thoại bị hủy, đặc biệt là DPCT và MMCA, là những cơ chế rất quan trọng để 2 bên hiểu về mối quan tâm của nhau và nâng cao sự tin cậy lẫn nhau. Ông cho biết trước đây, một số hành động hoặc ý kiến của 2 bên đã được điều chỉnh thông qua các cơ chế đối thoại này.

Theo nhà nghiên cứu, Mỹ và TQ có rất ít cơ chế đối thoại quân sự và việc duy trì liên lạc là quan trọng đối với 2 bên, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng chưa từng có giữa hai cường quốc trên thế giới.

Người này nói: “Hai nước càng ít chia sẻ thông tin và liên lạc thì càng có thể xảy ra xung đột và thậm chí đối đầu”. Việc hủy bỏ các cuộc đàm phán quân sự có thể đồng nghĩa với việc không có khả năng nối lại các cuộc thảo luận này trong tương lai, theo nhà nghiên cứu giấu tên.

Chuyên gia về các vấn đề an ninh của ĐH Hậu Hải quân Mỹ (bang California, Mỹ) Christopher Twomey cũng bày tỏ lo ngại khi TQ cắt đứt các liên kết liên lạc với Mỹ, ông còn cho rằng đây là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng Đài Loan mới.

Ông Twomey cho rằng việc mất đi những kênh đối thoại này làm giảm khả năng ngăn chặn xung đột quân sự của 2 bên trong khi TQ có những hoạt động quân sự quanh Đài Loan và quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng.

Theo SCMP, dù 3 cơ chế đối thoại bị hủy nhưng Trung-Mỹ vẫn có một số kênh liên lạc quân sự trong trường hợp khẩn cấp. Những kênh này bao gồm đường dây nóng trực tiếp giữa 2 bộ trưởng quốc phòng và đối thoại giữa 2 bộ tổng tham mưu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm