Vừa qua, lực lượng CSGT ở Thanh Hóa vừa phát hiện trường hợp thầy dạy lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn khi đang chở theo 3 học viên.
Sự việc xảy ra lúc 7 giờ 57 sáng 13-1, tại Km 335+20 Quốc lộ 1A (thuộc thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương), tổ công tác thuộc Trạm CSGT Quảng Xương đã tiến hành dừng, kiểm soát ô tô mang BKS 36A-550.XX.
Tổ công tác xác định, người điều khiển phương tiện là ông H.T.T. (SN 1982, trú tại Thanh Hóa), giáo viên dạy lái xe trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Qua kiểm tra nồng độ cồn, tài xế T. vi phạm ở mức 0,174 mg/L khí thở.
Sự việc cũng khiến nhiều người quan tâm khi chính giáo viên dạy lái xe, người đào tạo luật giao thông cho học viên lại là người vi phạm giao thông về nồng độ cồn. Theo đó, nhiều người thắc mắc, giáo viên này có thể phải đối mặt với hình phạt ra sao?
Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích mức xử phạt nồng độ cồn ô tô 0,1 miligam theo Điểm b Khoản 3 Điều 17 thuộc Nghị định số 123/2021 như sau: Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng.
“Ngoài bị phạt tiền, người này là giáo viên dạy lái xe, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng (theo điểm c Khoản 7 Điều 17)”- luật sư Tuấn cho hay.
Theo luật sư, mức vi phạm nồng độ cồn người hướng dẫn dạy lái xe ở mức vi phạm ở mức 0,174 mg/L khí thở, thì tương ứng mức phạt trên. Tuy nhiên xét về mặt pháp lý thì người hướng dẫn, hay là người dạy lái xe, trên xe khi vi phạm có 3 học viên, không những bị xử lý về mặt hành chính, mà còn nghiêm khắc xử lý về mặt đạo đức của người thầy dạy học viên.
“Trường dạy lái xe chắc chắn sẽ xem xét và xử lý nghiêm khắc trong trường hợp này, có thể sẽ chấm dứt hợp đồng lao động, vì ông T. không thể làm việc trong thời gian từ 10-12 tháng, thì mới thể hiện tính nghiêm minh và đúng là nơi đào tạo lái xe”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.