Theo hãng tin Bloomberg, tính đến ngày 27-1, virus corona vẫn chưa có dấu hiệu được khống chế.
Tại Vũ Hán, tâm chấn của cuộc khủng hoảng, sự hỗn loạn đã xảy ra khi các bệnh viện địa phương đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân, cũng như thiếu các thiết bị bảo vệ, khẩu trang và kính bảo hộ. Thành phố này đang khẩn trương xây dựng và mở một bệnh viện chuyên khoa 1.000 giường cho bệnh nhân nhiễm bệnh trong vòng 10 ngày.
Ngay từ đầu, các chuyên gia đã lo lắng về khả năng virus biến đổi, cho phép lây lan dễ dàng hơn mà không có cách điều trị hay vaccine hiệu quả. Một mầm bệnh dù ít khả năng gây chết người nhưng để lây lan không kiểm soát cũng có thể phá vỡ các hệ thống y tế công cộng toàn cầu, gây thiệt hại kinh tế và làm các thị trường toàn cầu trở nên hỗn loạn.
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang khi xuống đường ăn tết Nguyên đán hôm 27-1. Ảnh: REUTERS
Trả lời đài CNNhôm 27-1, Trưởng khoa Y học Cộng đồng thuộc ĐH Hong Kong - GS Gabriel Leung khẳng định số người nhiễm bệnh có khả năng tăng gấp đôi sau mỗi sáu ngày nếu không có sự can thiệp nhanh chóng từ nhà chức trách.
Theo mô hình dự đoán của nhóm nghiên cứu do ông Leung dẫn đầu, số ca nhiễm virus mới, bao gồm người trong giai đoạn ủ bệnh, có thể đã cận ngưỡng 44.000 ca tính đến ngày 25-1. GS này đã gửi cảnh báo đến một loạt thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.
Hôm 23-1 trước đó, Liên minh Các sáng kiến chuẩn bị dịch bệnh (CEPI), có trụ sở tại Na Uy, đã trao 12,5 triệu USD cho ba hãng dược nghiên cứu và phát triển vaccine virus Vũ Hán. Những nỗ lực này bắt đầu chỉ sau vài giờ khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố chuỗi di truyền của virus.
Hôm 24-1, Phó Giám đốc Barney Graham của Trung tâm Nghiên cứu vaccine thuộc Viện Quốc gia Mỹ về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm (NIAID) đã bắt đầu phân tích chuỗi di truyền với các đồng sự. Hai ngày sau, ông thảo luận các phát hiện của mình với các nhà nghiên cứu của hãng điều chế vaccine Moderna ở bang Massachusetts và chỉ mất một ngày để ký kết việc hợp tác nghiên cứu.
Công ty Dược Inovio ở bang Philadelphia cũng bắt đầu nghiên cứu vaccine cho corona với sự hỗ trợ của CEPI. Cả Moderna lẫn Inovio đều tự tin có đủ vaccine để bắt tay vào giai đoạn thử nghiệm trên động vật trong vòng một tháng tới.
Nhóm thứ ba được nhận quỹ tài trợ của CEPI là các nhà nghiên cứu của ĐH Queensland (Úc). Chuyên gia ở đây kỳ vọng có thể điều chế vaccine sẵn sàng cho công đoạn thử nghiệm trên người trong vòng 16 tuần nữa.
Với những diễn biến trên, Giám đốc Anthony Fauci của NIAID kỳ vọng vaccine chống virus gây dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm trong ba tháng tới.