Ngày 18-5, phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) - ông Valentin Parmon cho biết trong vòng 5 năm trở lại đây, nước Nga chứng kiến tình trạng chảy máu chất xám "trầm trọng", với khoảng 50.000 nhà khoa học Nga đã rời bỏ lĩnh vực này, theo tờ The Moscow Times.
Ông Parmon còn lưu ý rằng dù hiện tại Nga đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ trong nước, song Moscow lại đang thiếu những nhà khoa học có thể thực hiện nỗ lực đó. Điều này đã cản trở việc nghiên cứu và phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ tại Nga trong thời gian qua.
Các nhà khoa học Nga tại ĐH Ural (Nga). Ảnh: URFU |
Theo đó, ông kêu gọi chính phủ phải tăng gấp ba lần kinh phí nghiên cứu để thu hút những nhà khoa học có năng lực quay trở lại, và giúp Nga sớm tiến tới mức độ “gần trung bình” về công nghệ so với những nước công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Thống kê và Kinh tế Tri thức thuộc Trường Kinh tế Cao cấp Moscow, số lượng người làm việc trong lĩnh vực khoa học ở Nga có xu hướng giảm dần từ năm 2014.
Cụ thể, trong giai đoạn 2014-2021, số lượng nhà khoa học tại Nga đã giảm 10,5% (số nhà khoa học tại Nga trong năm 2021 là 340.100 người). Trong khi đó, theo The Moscow Times, ở thời điểm "cực thịnh" của ngành khoa học công nghệ Nga, Moscow đã sở hữu lực lượng các nhà nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới, với gần 1 triệu người.