Bầu Đức đòi trả lương để thay chủ tịch VPF

Sau cuộc họp trực tuyến hủy giải ngày 24-8, bầu Đức đã lên tiếng cho rằng VPF thiếu tôn trọng các CLB và yêu cầu thay thế lãnh đạo phù hợp. Bên cạnh HA Gia Lai, có đến năm đội bóng khác đều có công văn yêu cầu VPF tổ chức đại hội bất thường gồm B. Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Nam, SL Nghệ An, Nam Định.

Bầu Đức nói rằng ông không có mâu thuẫn gì với ông Trần Anh Tú mà chỉ muốn ghế chủ tịch VPF thuộc về người hiểu bóng đá và không một mình ngồi nhiều ghế. Ảnh: XUÂN HUY

Ngày 30-8, HA Gia Lai đã gửi đơn cho VFF, VPF với các nội dung: Chúng tôi nhận thấy HĐQT Ban điều hành VPF không sâu sát diễn biến tình hình thực tế nên đưa ra các quyết định không hợp lý... Trong quá trình trao đổi với lãnh đạo các CLB, Ban điều hành VPF thiếu sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ nguyện vọng chính đáng của các CLB; công tác vận động tài trợ chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tiến trình xây dựng, phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Thông qua công văn này, HA Gia Lai đề nghị HĐQT Công ty VPF triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường để thực hiện các vấn đề sau:

Kiện toàn bộ máy HĐQT, lựa chọn lãnh đạo phù hợp để quản lý, điều hành VPF; chấn chỉnh lại những mặt yếu kém, thiếu sót trong việc quản lý, điều hành, vận động tài trợ, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn... với mục tiêu đưa các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, bầu Đức thẳng thắn: “Cá nhân tôi chẳng thù oán ai cả, như trước kia tôi đã nhiều lần nói rõ VPF với Chủ tịch Trần Anh Tú không nên ngồi nhiều ghế, đừng biến VPF thành công ty gia đình. Bây giờ sự việc ra sao mọi người đều biết. Tại sao VPF ba năm qua không công khai tài chính? Cần biết tài sản này là của chung từ các cổ đông, không phải của riêng ai hết. Việc này cần công khai trên mạng, rõ ràng, minh bạch thu bao nhiêu, chi làm cái gì cho cổ đông người ta biết, không thể lén lút giấu giếm.

Điều quan trọng hơn là chúng tôi cần đại hội VPF bất thường để bầu lại các chức danh chủ chốt theo nguyên tắc lãnh đạo. Tôi khẳng định anh Tú xuất thân từ dân futsal không biết gì về bóng đá. Tay ngang mà nhảy vào làm khó lắm, tiền bạc của biết bao nhiêu cổ đông đổ vào đó thì không thể giao cho người không có nghề”.

Bầu Đức nói tiếp:“ Tôi nghĩ việc điều hành một công ty nhỏ như VPF mỗi năm có 75-80 tỉ đồng đâu có khó, thiếu gì người có công ty cả ngàn tỉ đồng. Cái chính là phải đàng hoàng, trong sáng, sạch sẽ. Còn về nghiệp vụ bóng đá mình cũng đâu thiếu người tài, như các lão làng Trần Duy Ly, hay PGS-TS Phạm Ngọc Viễn, hay những người có uy tín khác thừa sức ngồi ghế chủ tịch VPF. Vấn đề của họ vừa có nghề vừa không có đội bóng và quan trọng là không có phe cánh với ai, không lèm nhèm tiền bạc.

VPF bây giờ không phải muốn làm gì thì làm là không được. VPF đang bị ngộ nhận về vai trò của mình là tổ chức sự kiện, chứ không phải ông chủ của các đội bóng. VPF chỉ là công ty cổ phần do các cổ đông CLB khai sinh để điều hành, tổ chức giải đấu. Nếu làm không tốt thì phải tổ chức đại hội bầu lại, gọi nôm na là đuổi luôn, cho người tốt hơn lên làm.

Tôi sẵn sàng bỏ mỗi tháng 100 triệu đồng trả lương cho chủ tịch VPF, bảo đảm cuộc chơi tốt hơn gấp 10 lần hiện tại”.•

 

CLB mạnh, đội tuyển tốt thì lo gì thiếu tiền

Bầu Đức nhấn mạnh VPF rất cần có lãnh đạo tâm huyết, có các bộ phận giúp việc am hiểu tài chính và chuyên môn: “Tôi nghe VPF nói hủy giải sẽ tìm tài trợ khó khăn, hay ông chủ tịch bỏ tiền cứu giải như một cách gây áp lực cho các CLB là sai lầm. Chúng tôi không cần tiền kiểu đó. Hãy nhìn lại hơn ba năm qua, các đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo gây tiếng vang rất lớn. Nó nhờ vào nền tảng CLB mạnh, dẫn đến các đội tuyển tốt thì cơ hội mang tiền về rất nhiều. Còn nếu VPF nói tại sao kêu gọi tài trợ yếu kém thì phải nhìn lại mình làm việc như thế nào”. TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm