Theo số liệu cập nhật tới ngày 23-6 của hãng tin Bloomberg, 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã tiến hành tiêm chủng được 2,71 tỉ liều vaccine cho người dân. Bloomberg ước tính số liều vaccine đủ để tiêm cho khoảng 17,7% dân số thế giới, song tới nay chỉ mới 10,4% được tiêm do phần lớn vaccine đang lưu hành hiện tập trung ở 26 quốc gia giàu nhất thế giới.
Tuy vậy, vấn đề phân chia không đồng đều này được kỳ vọng sẽ sớm kết thúc do các hãng dược quốc tế đang tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực và cho ra đời thêm nhiều ứng viên vaccine tiềm năng.
Người dân Đài Loan tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trung tâm
tiêm chủng y tế tại TP Đài Bắc ngày 2-6. Ảnh: REUTERS
Thị trường vaccine ngừa COVID-19 nhiều tích cực
Theo trang thống kê COVID-19 Vaccine Tracker, thế giới hiện đang có 18 loại vaccine COVID-19 đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một quốc gia như vaccine của hãng dược AstraZeneca (Anh), Pfizer - BioNTech (Mỹ - Đức), Moderna (Mỹ), Johnson & Johnson (Mỹ), Viện Gamaleya (Nga) và ba hãng CanSino Biologics, Sinovac Biotech, Sinopharm (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, còn có ít nhất 36 ứng viên vaccine đang trong thử nghiệm giai đoạn 3; 49 ứng viên thử nghiệm giai đoạn 2; 35 ứng viên thử nghiệm giai đoạn 1; khoảng 77 ứng viên khác cũng mới bắt đầu bước vào quá trình thử nghiệm trên động vật.
Tờ The New York Times cho biết hai tuần trong tháng 6 vừa qua là giai đoạn cực kỳ nhộn nhịp cho thị trường sản xuất vaccine với nhiều ứng viên vaccine của các nước được đẩy nhanh tiến độ phát triển.
Đơn cử, có hai vaccine của Kazakhstan chuẩn bị tiến vào thử nghiệm giai đoạn 2; vaccine của ĐH Hong Kong và ĐH Hạ Môn (Trung Quốc) hợp tác phát triển chuyển tiếp lên thử nghiệm giai đoạn 2; hãng dược Icosavax (Mỹ) chuẩn bị có vaccine tiến vào thử nghiệm giai đoạn 2, vaccine của Học viện Khoa học quân y và vaccine BV Hoa Tây thuộc ĐH Tứ Xuyên của Trung Quốc cùng bước vào thử nghiệm giai đoạn 3; hãng dược Vaxine có vaccine tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2.
Trong số các ứng viên đang được phát triển hiện nay, một số cái tên nổi bật hơn hẳn với mức độ hiệu quả bảo vệ cao. Hãng dược Novavax (Mỹ) mới đây công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 với hiệu quả đến hơn 90%.
Cụ thể, Novavax cho biết vaccine của hãng có hiệu quả hơn 93% đối với một số biến thể SARS-CoV-2 có mức độ lây nhiễm cao hơn chủng gốc, vốn đang khiến giới khoa học và ngành y tế lo ngại. Vaccine cũng có hiệu quả bảo vệ 91% đối với các tình nguyện viên có nguy cơ lây nhiễm cao. Các kết quả tích cực hứa hẹn vaccine của Novavax sẽ giúp giải tỏa “cơn khát vaccine” ở các quốc gia đang phát triển và là giải pháp thay thế cho các vaccine hàng đầu hiện nay như của AstraZeneca, Pfizer - BioNTech.
Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 22-6 cho biết hãng dược BioCubaFarma (Cuba) đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine Abdala đạt hiệu quả 92,28% sau ba mũi tiêm. Một vaccine khác của hãng là Soberana 2 cũng vừa được chứng nhận đạt hiệu quả 62% sau khi tiêm hai trên ba liều. Dự kiến giới chức y tế Cuba sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả hai loại vaccine này trong thời gian tới.
Theo Reuters, Cuba khác với các nước khác là không nhập khẩu vaccine từ bên ngoài mà tự bào chế vaccine trong nước với năm loại đang trong quá trình thử nghiệm. Hồi tháng trước, Cuba đã bắt đầu tiêm chủng vaccine hàng loạt cho người dân bằng hai loại vaccine trong số đó dù chưa hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Các ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày đã giảm một nửa ở thủ đô Havana kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đi kèm các biện pháp giãn cách xã hội.
Đài BBC ngày 23-6 đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa được tiêm kết hợp hai vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, bà tiêm một liều vaccine của Moderna sau khi đã tiêm một liều vaccine của AstraZeneca hồi tháng trước. Các chuyên gia cho rằng việc tiêm kết hợp nhiều loại vaccine COVID-19 như vậy có thể được nghiên cứu mở rộng thêm nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng. |
Chuyên gia cảnh báo không nên “kén chọn” vaccine
Việc nhiều vaccine được lưu hành và chuẩn bị được cấp phép dễ sinh ra tâm lý so đo, muốn chọn vaccine tốt nhất trong một bộ phận không nhỏ người dân các nước, nhất là ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng còn thấp. Giới chuyên gia cảnh báo đây là tâm lý nguy hiểm và làm ảnh hưởng tới nỗ lực tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số thế giới để chặn đứng đại dịch.
Trong bài viết mới đây cho đài CBC News, TS Noah Ivers thuộc ĐH Toronto (Canada) cho biết dù mỗi loại vaccine sẽ có hiệu quả bảo vệ khác nhau, dao động trong khoảng 50%-90% nhưng nhìn chung tất cả đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, trải qua các đợt thử nghiệm gắt gao và được hàng loạt tổ chức, cơ quan có uy tín chứng nhận, cấp phép. Do đó, tất cả loại vaccine hiện đang lưu hành đều có đủ khả năng bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm COVID-19.
Bên cạnh đó, độ hiệu quả vaccine đều suy giảm theo thời gian nên việc kén chọn vaccine tốt nhất rồi tiêm một lần cũng không giúp gì được cho người tiêm vì muốn bảo đảm hiệu quả thì phải tiêm thường xuyên; trừ những nước có nguồn vaccine thừa thãi thì trong điều kiện hiện nay, điều đó gần như là không thể.
“Việc tiêm vaccine chỉ phát huy tốt nhất khi càng nhiều người tiêm càng tốt và trong thời gian ngắn nhất. Nên xem vaccine giống như một hàng rào cản lại đại dịch chứ không phải là giải pháp cuối cùng, duy nhất cho vấn đề. Các điều tra thực nghiệm bước đầu cũng đồng ý rằng càng tiêm vaccine nhanh thì chuỗi lây nhiễm càng mau chóng bị cắt đứt và cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường” - ông Ivers giải thích.
Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời chuyên gia thuộc ĐH Rockefeller (Mỹ) còn cảnh báo việc kén chọn vaccine cũng dẫn tới kịch bản thế giới không thể chặn đứng được đà lây lan nguy hiểm của biến thể virus SARS‑CoV‑2 như Delta hay ngăn ngừa khả năng đột biến thêm của chủng gốc.
Mục tiêu lớn nhất và quan trọng nhất của mọi quốc gia hiện nay là cần phải đạt được miễn dịch cộng đồng, càng nhiều người được tiêm thì virus càng ít có cơ hội đột biến để tạo biến thể mới.•
Mỹ - Anh phê duyệt vaccine như thế nào? Hầu như tất cả vaccine ngừa COVID-19 đang lưu hành ở Mỹ và Anh hiện nay chỉ mới được cấp phép cho sử dụng khẩn cấp tạm thời và giấy phép này có thể bị rút lại bất kỳ lúc nào nếu hiệu quả bảo vệ suy giảm hoặc gây biến chứng nghiêm trọng đối với người được tiêm. Ở Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) là cơ quan chính chịu trách nhiệm cấp phép khẩn cấp cho các loại vaccine ngừa COVID-19. Hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp sẽ bao gồm tất cả dữ liệu an toàn từ thử nghiệm giai đoạn 1, 2, 3; các thông tin về thành phần hóa học, quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng của vaccine. Ở Anh, Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) là cơ quan chịu trách nhiệm chính phê duyệt vaccine ngừa COVID-19. Dù vậy, cho tới nay MHRA vẫn chưa công khai chi tiết tiêu chuẩn và quy trình phê duyệt vaccine của mình như thế nào. Tạp chí Time dẫn lời một phát ngôn viên của MHRA cho biết cơ quan này có thể tăng tốc độ phê duyệt bằng cách áp dụng xét duyệt “cuốn chiếu” - theo sát quá trình thử nghiệm của các hãng dược và thẩm định chất lượng vaccine ngay từ lúc các đợt thử nghiệm vẫn đang diễn ra. Dữ liệu được MHRA thu thập bao gồm dữ liệu thử nghiệm trên người; thông tin về quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng vaccine và dữ liệu thử nghiệm sản phẩm cuối cùng. |