Vừa qua Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam về tình hình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) trong năm 2023. Theo đó, Sở này cho biết trong năm qua có gần 120.000 người rớt sát hạch GPLX.
14 người thi thì 13 người rớt mô phỏng
Trước thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng việc học, thi phần mềm mô phỏng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người rớt sát hạch GPLX. Phần mềm này giống như đánh đố người thi, không phù hợp với thực tế.
Chia sẻ trên một nhóm mạng xã hội về ô tô, anh Nguyễn Tuấn cho biết: “Chơi elden ring bay nhảy như chim, hạ boss như con nhưng khi thi mô phỏng tôi chỉ được 49 điểm. Trong khi đó vợ tôi không biết chơi game thì 50/50. Tôi nhận thấy rằng chơi game không giúp thi mô phỏng “ngon” hơn và thi mô phỏng giỏi cũng không giúp ích gì cho việc chạy xe giỏi.”
Một ý kiến chia sẻ: “Tôi là lái xe nhiều năm thử làm bài thi mô phỏng và toàn nói là vô lý, không có chút thực tế nào cả”.
Anh Trần Anh Đức cho biết: “Do lập trình phải bấm nút đúng thời điểm chính xác đến từng tích tắc. Phần mềm mô phỏng mục đích chính là để tăng khả năng nhận biết tình huống nguy hiểm, là kỹ năng mềm chứ không phải kỹ năng cứng”.
Anh Nguyễn Quang cho hay: “Chỗ mình 14 người đi thi thì 13 người trượt phần thi mô phỏng”.
Lê Vỹ Nhân cho hay: “Theo ý của em thì bỏ mô phỏng này, theo đó là thêm vào phần thực hành với vô lăng, thắng, côn, ga và cần số để làm quen với xe thật. Thêm vào đó là thêm phần học đạo đức, lấy các video lái xe lỗi hay các cam hành trình gây tai nạn. Sau đó, phân tích tình huống đúng sai vào thực tế”.
Thành viên có tên Nguyễn Trọng Hạnh bình luận: “Thực tế khi xảy ra sự cố thì người lái xe đa phần sẽ dính mấy lỗi như chủ quan, không làm chủ tốc độ. Thế mà đi thi mô phỏng không chủ quan, cẩn thận bấm cách sớm mà cũng “bị xịt”.
Anh Nguyễn Việt Anh cho biết: “Tôi lái xe lâu rồi mà thi còn không qua, tôi nghĩ phần mềm mô phỏng là đánh đố mấy người chưa có bằng. Tôi thấy cái này toàn làm mẹo, kiểu làm nhiều rồi nhớ bấm vào thời điểm nào”.
Kiến nghị sửa cả lý thuyết và mô phỏng
Là người “lỡ” để quá hạn GPLX 6 tháng, luật sư (LS) Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết anh phải thi lại bằng lái nhưng cũng rớt ngay từ lý thuyết. Nguyên nhân rớt là do những câu không ngờ tới.
“Tôi là LS nên tôi là người học theo sự hiểu biết của mình, đọc để hiểu và học một cách rất nghiêm chỉnh. Tôi cũng có kinh nghiệm lái xe nhiều năm chỉ là do bằng lái hết hạn quá 6 tháng nên tôi mới phải đi thi lại. Nhưng tôi đã rớt lý thuyết, tôi nhận thấy nhiều câu “bẫy”, đánh đố người thi. Bản thân tôi là LS còn luống cuống thì những người chỉ học hết cấp 2 làm sao mà thi đậu được”- LS Vũ chia sẻ.
LS đưa ra một ví dụ về lý thuyết, trong câu về xe động cơ Diezel không thể nổ máy do nguyên nhân gì, trong đó có 2 phương án là lẫn tạp chất và bị nước vô. Là người có kinh nghiệm tôi thấy bị nước vô là cũng đúng với động cơ xe ô tô. Nhưng đáp án trả lời đúng nhất của câu này là bị lẫn tạp chất. Thực tế câu này cả 2 đáp án đều đúng nhưng LS bị mất điểm vì câu này.
“Tôi thấy bộ lý thuyết cần đặt câu hỏi và đáp án càng dễ hiểu càng tốt, không nên đặt câu hỏi gài bẫy, đánh đố”- LS nói thêm.
Về phần thi mô phỏng, LS cho biết cũng đã “rèn” trước khi đi trên điện thoại loại “xịn” rất vất vả, phải ít nhất thực hành trên máy tính (laptop) mới có thể quan sát được. Hơn nữa, máy tính cũng đòi hỏi phải có cấu hình cao mới thực hiện được.
“Ví dụ giây thứ 5 là 5 điểm, giây thứ 5,5 là 4 điểm…nhưng nếu ở giây thứ 4 là 0 điểm. Do đó, nhiều người không kịp học nên cũng học “mẹo”, nhớ từng câu và nhớ từng giây để đánh”- LS cho hay.
LS chia sẻ thêm nhiều người học lái xe nhằm mục đích cho công việc làm tài xế, nhưng đều rớt ở phần mềm mô phỏng vì không có thời gian và điều kiện để thực hành ở nhà.
“Nhiều người ở các tỉnh miền Tây lên TP.HCM thi bằng lái xe nhưng rớt mô phỏng đến 8 lần”- LS cho hay.
Theo đó, LS Lê Quang Vũ kiến nghị ngoài bỏ phần mềm mô phỏng tình huống giao thông thì cũng cần sửa lại bộ đề thi lý thuyết lái xe.