Thị trường chứng khoán thế giới đỏ lửa, liên quan dữ liệu việc làm ở Mỹ

(PLO)- Lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ do tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch đầu tuần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-8, bắt đầu phiên giao dịch tuần mới, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã nhuộm sắc đỏ vì lo ngại trước nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, theo hãng tin Reuters.

Đáng chú ý nhất, thị trường chứng khoán Nhật có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua. Kết thúc phiên giao dịch 5-8, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 12,4%, mất 4.451,28 điểm. Đây là mức giảm điểm lớn nhất từ ​​trước đến nay, vượt qua con số 3.836,48 điểm mà thị trường Nikkei của Nhật đánh mất trong sự kiện "thứ Hai đen tối" ngày 20-10-1987, theo hãng tin Reuters.

thị trường chứng khoán 2.png
Các nhân viên nhìn vào màn hình hiển thị chỉ số Nikkei của Nhật, tại Sở giao dịch chứng khoán Nagoya (Nhật) ngày 5-8. Ảnh: REUTERS

Nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định, song sự sụt giảm kinh ngạc tại thị trường chứng khoán Nhật được cho liên quan dữ liệu việc làm ảm đạm của Mỹ công bố hôm 2-8, làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái. Ngoài ra sự sụt giảm còn được cho là do đồng yen tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng so với đồng USD, làm ảnh hưởng tới các khoản đầu tư vào đồng tiền này và gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu lớn ở Nhật.

Trước đó, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên 4,3% trong tháng 7, từ mức 4,1% trong tháng 6, đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ tư liên tiếp và gần mức tăng cao nhất trong ba năm, theo hãng tin Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Shunichi Suzuki cho biết chính phủ đang theo dõi thị trường với "mối quan ngại sâu sắc [...] Thật khó để nói điều gì đằng sau sự sụt giảm chứng khoán này."

Cũng trong phiên giao dịch ngày 5-8, sắc đỏ từ thị trường Nikkei của Nhật nhanh chóng phủ lên thị trường chứng khoán ở nhiều nước. Reuters đưa tin thị trường chứng khoán châu Âu hôm 5-8 giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng kể từ ngày 13-2, khi chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 2,17% khi đóng cửa, song có thời điểm giảm mạnh 3,4%.

Các chỉ số chứng khoán hàng đầu khác ở châu Âu như DAX của Đức, CAC 40 của Pháp, FTSE 100 của Anh, và IBEX 35 của Tây Ban Nha cũng giảm từ 1,4%- 2,3%, chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng trong ngày giao dịch 5-8.

thị trường chứng khoán.png
Biểu đồ chỉ số DAX của Đức được mô tả tại sàn giao dịch thị trường chứng khoán ở Frankfurt (Đức) ngày 5-8. Ảnh: REUTERS

Tại Mỹ, cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm phần trăm lớn nhất trong 3 ngày kể từ tháng 6-2022, còn Nasdaq và S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5. Theo Reuters, chỉ số Dow Jones giảm 2,60%, chỉ số S&P 500 giảm 3,00% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,43%.

Phản ứng trước sự sụt giảm chứng khoán toàn cầu, nhiều nhà phân tích cũng đều cho rằng do tác động từ số liệu việc làm ảm đạm tại Mỹ, song tình hình không quá lo ngại.

Nhà phân tích nghiên cứu tại công ty tư vấn Panmure Liberum ở Anh Joachim Klement cho biết: “Dữ liệu vĩ mô của Mỹ đã gây bất ngờ trong một thời gian dài và dữ liệu thị trường lao động vào thứ Sáu là một lời cảnh tỉnh khi nhiều nhà đầu tư đột nhiên nhận ra rằng nền kinh tế Mỹ đang chậm lại”.

Ông Mohit Kumar, nhà kinh tế hàng đầu ở tập đoàn tài chính Jefferies tại Anh cho rằng “Quan điểm của chúng tôi về bức tranh việc làm ở Mỹ không thay đổi. Chúng ta đang ở trong tình trạng suy yếu nhưng không phải là một kịch bản thảm họa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm