Thích chọn ‘một cục tiền’ thay vì lương hưu

Ngày 5-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với nhiều sở, ngành về tình hình thực hiện việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn TP.

Đẩy nhanh số hóa BHXH

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP, cho biết số người nhận BHXH một lần ở TP.HCM có chiều hướng gia tăng, năm sau đều cao hơn năm trước và cao hơn các địa phương khác. Điều đó đồng nghĩa với việc những người rời khỏi hệ thống sẽ bị giảm hoặc không được hưởng lương hưu. Phần lớn những người lựa chọn nhận “một cục tiền” là lao động phổ thông. Ông Trần Văn Vân, Giám đốc BHXH quận Bình Tân, kiến nghị nên xem xét kéo dài thời gian được hưởng BHXH một lần vì: “Mục tiêu của BHXH không phải để nhận tiện một lần mà để hướng tới hưởng lương hưu khi không còn khả năng lao động. Việc cho hưởng một lần chỉ phù hợp với người đang mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn nguy hiểm tính mạng hoặc đi định cư nước ngoài”.

Ông Phan Văn Mến cũng cho hay mức lương đóng BHXH hiện nay thấp hơn rất nhiều so với mức thu nhập thực nhận của người lao động. Nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ đóng BHXH cho người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng. Nhiều đơn vị đã lờ đi các khoản phụ cấp thuộc trách nhiệm phải đóng BHXH. Hoặc họ thỏa thuận luôn với người lao động là không đóng BHXH cho các khoản này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Người lao động cứ quần quật suốt ngày, DN có đóng không cũng không biết, trừ lương bao nhiêu cũng không biết, bị nợ BHXH bao nhiêu mỗi tháng cũng không biết. Cần đẩy nhanh quá trình số hóa BHXH để người lao động có thông tin đó, kiểm tra được bằng điện thoại việc chủ sử dụng lao động đóng BHXH cho mình thế nào”.

Buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với nhiều sở, ngành về việc thực hiện Luật BHXH trên địa bàn TP. Ảnh: H.MINH

Doanh nghiệp “xù” tiền BHXH

Theo báo cáo của BHXH TP.HCM, nhiều DN chây ỳ hoặc chiếm dụng số tiền BHXH để làm chuyện khác. Tính đến ngày 30-6-2018, số nợ BHXH, bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp của các đơn vị DN là trên 2.100 tỉ đồng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhưng số nợ đọng BHXH vẫn không giảm, thậm chí ngày càng tăng. Nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra không làm việc được do đơn vị đóng cửa không tiếp đoàn hoặc báo cáo người đại diện theo pháp luật đi vắng. Khi bị xử phạt hành chính, DN tiếp tục lờ đi. Biện pháp duy nhất là cưỡng chế tài khoản. Tuy nhiên, hầu hết tài khoản DN cung cấp đều không còn tiền hoặc không đủ tiền dù DN vẫn… hoạt động bình thường.

Ông Phan Văn Mến cho biết có một công ty nợ BHXH, chủ DN biến mất. BHXH TP yêu cầu kế toán cung cấp sổ sách thu chi. Tòa án vẫn phải thực hiện các bước hòa giải nhưng chủ DN đã bỏ trốn, không xử được.

Đề nghị sửa đổi quy trình tố tụng tranh chấp lao động

Các vụ chây ỳ không đóng BHXH rất khó xử lý nhanh và dứt điểm. Người lao động phải có đơn, sau đó là một quy trình kéo dài. Tôi đề nghị nên sửa đổi quy trình tố tụng về tranh chấp lao động, tránh gây bức xúc trong người lao động vì có thể nảy sinh thêm nhiều việc khác.

ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc BHXH TP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm