Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chìm sâu vào căng thẳng. Vào ngày 18-3, tạp chí Đức Der Spiegel đăng cuộc phỏng vấn với cơ quan tình báo nước ngoài (BND) của Đức, cho rằng Berlin không tin giáo sĩ lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen đứng sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 năm ngoái.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thuyết phục chúng ta ở mọi cấp độ song đến nay chưa thành công” - tạp chí Der Spiegel dẫn lời đại diện BND Bruno Kahl.
Trước đó, Berlin cấm một số bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu tại các cuộc tuần hành của người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Đức trước thềm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới. Giới chức Đức viện dẫn lý do an ninh công cộng cho động thái trên. Quyết định này đã châm ngòi căng thẳng quan hệ Đức - Thổ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại một cuộc họp báo ở Istanbul hôm 19-3. Ảnh: REUTERS
Đáp lại, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin, nói tuyên bố của ông Kahl là bằng chứng cho thấy Đức ủng hộ mạng lưới của Gulen, bị Ankara coi là “Tổ chức Khủng bố Gulen” hay còn gọi là “FETO”. "Đó là một nỗ lực vô hiệu hóa tất cả thông tin chúng tôi đã gửi cho họ về FETO. Đây là một dấu hiệu cho thấy họ ủng hộ FETO" - Kalin nói.
Theo người phát ngôn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Đức bảo vệ FETO vì đó là công cụ hữu ích để chống Thổ Nhĩ Kỳ. Đức chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Kalin.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc những người thuộc mạng lưới Gulen là đạo diễn vụ đảo chính quân sự bất thành hồi 14-7-2016. Khi đó, một nhóm binh sĩ nổi dậy đã khống chế xe tăng, trực thăng và máy bay chiến đấu để tấn công Quốc hội và cố gắng lật đổ chính quyền. Hơn 240 người thiệt mạng trong cuộc đảo chính.
Giáo sĩ Gulen, cựu đồng minh của Tổng thống Erdogan, sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999, đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên và cũng từng công khai lên án cuộc đảo chính gây bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ.