Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã giảm nhẹ lo ngại về việc nước này có ý định sử dụng hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga. Ông Akar nói rằng Ankara sẽ sử dụng hệ thống này giống như các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã sử dụng hệ thống phòng không S-300 cũng do Nga sản xuất, theo kênh Press TV.
S-400 sẽ được sử dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ giống như Hy Lạp sử dụng S-300
“Giống như hệ thống tên lửa S-300, vốn tồn tại trong một số nước thành viên NATO, được sử dụng trong liên minh này, hệ thống S-400 cũng sẽ được sử dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ theo cách tương tự” – ông Akar nói trước Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách thuộc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12-11.
Hệ thống phòng không S-300 PMU1 do Nga sản xuất. Ảnh: Military - Today.com
Ông Akar lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục quá trình kiểm soát và chuẩn bị hệ thống S-400 theo kế hoạch. Tiếp đó, ông kêu gọi Mỹ thành lập một nhóm làm việc chung về khả năng tương thích giữa hệ thống S-400 và tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất.
“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận những lo ngại kỹ thuật của Mỹ về khả năng tương thích giữa S-400 và F-35” – ông Akar khẳng định.
Hôm 22-10, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin Bloomberg rằng Ankara sẽ sử dụng hệ thống phòng không S-400 như một loại vũ khí độc lập giống như những gì Hy Lạp đang làm với hệ thống S-300 do Nga chế tạo.
Ông Akar nói thêm Hy Lạp bổ sung S-300 vào kho vũ khí của mình cũng như một số quốc gia NATO khác sử dụng những vũ khí do Nga chế tạo.
Không quân Hy Lạp lần đầu tiến hành phóng thử hệ thống phòng không S-300 tại bãi phóng tên lửa NATO ở đảo Crete như một phần trong nội dung cuộc tập trận quân sự Lefkos Aetos năm 2013. Hy Lạp tiến hành phóng thử khoảng 14 năm sau khi hệ thống này được bán cho người mua ban đầu là Cộng hòa Cyprus, theo trang tin Defense World.
Cộng hòa Cyprus ban đầu mua hệ thống S-300 PMU của Nga hồi giữa thập niên 90, song sau đó được chuyển giao cho Hy Lạp. Hy Lạp đã nâng cấp hệ thống này với sự giúp đỡ của Nga.
Ngoài Hy Lạp, thành viên khác của NATO là Bulgaria cũng vận hành một mạng lưới phòng không đa tầng thời Liên Xô, bao gồm hệ thống tên lửa tầm xa S-300 và S-200, hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung S-125 và S-75.
Mỹ sẽ mạnh tay với Thổ Nhĩ Kỳ hơn dưới thời ông Biden?
Theo nhận định của hãng tin Reuters, Tổng thống tân cử Joe Biden dự kiến sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ so với đương kim Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là các chính sách đối ngoại và quốc phòng cũng như hồ sơ nhân quyền của nước này.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: TASS
Ông Biden có thể ủng hộ những nỗ lực của quốc hội Mỹ nhằm trừng phạt Ankara liên quan tới việc nước này mua hệ thống S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bất hòa sau khi nước này mua S-400 từ Nga. Mỹ cho rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO và đặt ra đe dọa cho tiêm kích F-35.
Tháng 4-2018, tại thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thông báo hai bên đã thống nhất xúc tiến hợp đồng cung cấp S-400.
Mỹ cực lực phản đối thương vụ S-400 và đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35.
S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Nga, được thiết kế để phát hiện, theo dõi và phá hủy máy bay, máy bay không người lái hoặc tên lửa ở khoảng cách 400 km. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc đã mua S-400 và Ấn Độ cũng đã ký hợp đồng mua S-400 với Nga.
Ankara nỗ lực tăng cường khả năng phòng không, đặc biệt sau khi Washington quyết định rút hệ thống tên lửa đất đối không Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria năm 2015. Động thái này làm suy yếu khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước khi ký hợp đồng mua S-400 với Nga, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã rút khỏi hợp đồng mua hệ thống phòng không của Trung Quốc trị giá 3,4 tỉ USD, do sức ép của Mỹ.
Nga làm việc cật lực để sớm bàn giao S-400 cho Ấn Độ Hôm 12-11, Nga cho biết nước này đang làm việc “rất chăm chỉ” để đẩy nhanh việc cung cấp hệ thống S-400 cho Ấn Độ, mặc dù theo kế hoạch đến cuối năm 2021 mới phải giao lô S-400 đầu tiên, theo báo The Hindu. “Đến lúc này thời hạn vẫn không thay đổi. Lô S-400 đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển tới vào cuối năm 2021 nhưng chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để có thể bàn giao sớm” – Phó Đại sứ Nga tại Ấn Độ Roman Babushkin nói tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 12-11. Tháng 10-2018, Ấn Độ ký với Nga hợp đồng mua năm đơn vị hệ thống tên lửa S-500 trị giá hơn 5 tỉ USD, bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ. Năm ngoái, Ấn Độ đã trả trước cho Nga 800 triệu USD để mua S-400. Ông Babushkin cho biết thêm hai nước cũng đang đàm phán về nhiều chương trình mua sắm quân sự khác, trong đó có cung cấp thêm một lô tiêm kích Su-30 MKI cho Ấn Độ. Ông Babushkin còn nhắc tới các chương trình lớn khác liên quan tới xe tăng chiến đấu chủ lực, tàu hộ vệ, tàu ngầm và tên lửa. |