Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng nước này đã bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 mà không có lý do chính đáng.
Trước đó trong tuần này, các binh sĩ của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện lái F-35 đã bị yêu cầu rời khỏi Mỹ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước tiếp nhận tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất, theo kênh Al Jazeera.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn cơ hội tham gia trở lại chương trình F-35
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chặt chẽ chương trình này kể từ năm 2001 và nước này cũng đã đầu tư 1,4 tỉ USD để phát triển máy bay chiến đấu này cùng với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: AP
“Từ lúc bắt đầu, khi chúng tôi đi vào chương trình này, chúng tôi đã thực thi các cam kết của mình. Chúng tôi không phải khách hàng của chương trình F-35, chúng tôi là người sở hữu nó. Dù không có lý do chính đáng rõ ràng hay căn cứ pháp lý, chúng tôi đang cố bị đẩy ra. Tình hình này không thể chấp nhận được. Nếu chúng tôi bị đẩy ra khỏi quá trình này, chúng tôi sẽ phải thử những cách khác” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy nói trong buổi họp báo ở Ankara được phát trên truyền hình hôm 2-8.
Ngoài những bình luận của ông Aksoy, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khá im lặng trước việc nước này kết thúc vai trò trong chương trình F-35.
Mỹ phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 từ Nga, nói rằng vận hành S-400 cùng với F-35 sẽ làm tổn hại những bí mật công nghệ cao của máy bay này. Mỹ nói sẽ không cho phép F-35 hoạt động trong không phận thuộc phạm vi hoạt động của S-400.
Đổi lại, Moscow đã đề nghị bán máy bay hiện đại nhất của Nga Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù 40 nhân viên trên không và trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ không còn tham gia khóa huấn luyện vận hành F-35 và khoảng 20 nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ bị trục xuất khỏi văn phòng ở Washington, song các công ty Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tham gia cung cấp hơn 950 linh kiện F-35.
Chính điều này khiến giới quan sát nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ còn có cơ hội tham gia chương trình F-35 trở lại.
Tuần trước, Lockheed Martin - công ty Mỹ giám sát việc sản xuất F-35 cho hay việc tham gia của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấm dứt hoàn toàn vào tháng 3-2020. Trong khi đó, hệ thống S-400 theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ đi vào hoạt động vào tháng sau đó, tức tháng 4-2020.
“Về phía Mỹ, quá trình loại hoàn toàn Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sẽ kéo dài tới tháng 3-2020, tức một tháng trước khi triển khai S-400, theo Tổng thống Erdogan. Trên lý thuyết, vẫn còn thời gian để cứu vãn vấn đề này. Những cánh cửa ngoại giao vẫn chưa đóng lại” - ông Ali Bakeer, nhà phân tích và tư vấn chính trị ở Ankara, nhận định.
“Tin mừng cho Thổ Nhĩ Kỳ”
Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ vững tinh thần sau khi Tổng thống Trump bày tỏ sự cảm thông với việc nước này mua S-400. Ông Trump đã đổ lỗi cho chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama vì từ chối bán hệ thống phòng thủ Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nên nước này mới tìm kiếm sự thay thế ở nơi khác.
Ông Trump dường như cũng chống lại sức ép từ Quốc hội buộc áp trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật trừng phạt các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) nói ông không trách Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua S-400. Ảnh: Ahval News
Ông Nihat Ali Ozcan - nhà phân tích chính sách an ninh tại Quỹ nghiên cứu chính sách kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét sự can thiệp của ông Trump là “tin mừng cho Thổ Nhĩ Kỳ” trong lúc Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ kiên quyết trừng phạt nước này.
“Tôi không chắc Thổ Nhĩ Kỳ có thể ở lại chương trình F-35. Tuy nhiên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không vận hành S-400 thì có thể tạo ra nền tảng mới cho thảo luận” - ông Ozcan nói.
“Ở giai đoạn này, vẫn còn cơ hội cho việc nối lại vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 mặc dù rất mỏng manh. Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan vẫn chưa đóng cánh cửa mặc cả tiếp tục và vẫn có cơ hội, miễn là Thổ Nhĩ Kỳ không kích hoạt hệ thống S-400 và Mỹ không áp trừng phạt” - nhà phân tích Bakeer cho biết.
Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: Hurriyet Daily News
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ như Roketsan, công nghiệp không gian vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ và công nghiệp động cơ Tusas đã đổ vào dự án F-35 khoảng 12 tỉ USD. Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, việc loại những công ty này khỏi chương trình sẽ gánh thêm chi phí và có thể trì hoãn việc bàn giao F-35 cho các quốc gia khác tới hai năm.
Với việc đình chỉ bàn giao 116 chiếc F-35 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ trước đó trong năm nay, Tập đoàn Lockeed Martin đã mất đi khách hàng lớn thứ tư của mình.
“Có thể Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ trong một hoặc hai năm và rồi họ có thể tiếp tục nhưng nếu Mỹ áp trừng phạt thì sẽ dẫn tới những thứ tồi tệ cho cả hai nước. Mỹ có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga” - ông Bakeer nói.
Theo ông Binnendijk, những cách có thể tránh bị loại vĩnh viễn khỏi chương trình F-35 như không cho người Nga tham gia vận hành S-400, cấm radar S-400 kích hoạt khi F-35 đang hoạt động hay như không kết nối S-400 với F-35 hay các hệ thống máy tính của NATO.