Giữa lúc cả thế giới đổ dồn sự quan tâm vào xung đột giữa Israel với Iran và các lực lượng thuộc trục kháng chiến của Tehran, cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các tay súng người Kurd ít được chú ý hơn, song không phải đã dừng lại.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hôm 9-8, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya cho biết lực lượng an ninh nước này đã đột kích vào các hang động, boongke và “nơi trú ẩn" của các lực lượng ly khai đảng Công nhân người Kurd (PKK, bị Ankara coi là khủng bố) trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 3.000 đơn vị vũ khí các loại, hơn 8.000 viên đạn, cùng nhiều vật liệu nổ khác, cùng hơn 2 tấn nhu yếu phẩm đã bị thu giữ. Tổng cộng 76 hang động và “nơi trú ẩn” của các tay súng người Kurd bị phá huỷ trong chiến dịch mới nhất của các lực lượng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng nông thôn miền đông nước này.
Theo tờ Daily Sabah, từ năm 2016, Ankara đã tăng cường các chiến dịch càn quét vào các lực lượng thuộc PKK trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, như Bộ trưởng Yerlikaya mô tả là xuyên suốt “365 ngày, 4 mùa, 12 tháng trong năm, bất kể ngày đêm, bất kể ở thành thị hay nông thôn”.
Chiến dịch “Claw-Lock” của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq vẫn tiếp diễn
Ankara vẫn duy trì các chiến dịch chống lại các tay súng người Kurd ở phía bắc Iraq và Syria. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - Chuẩn Đô đốc Zeki Akturk hôm 8-8 cho biết trong tuần trước đó 64 tay súng PKK trên lãnh thổ phía bắc Iraq và Syria đã bị “vô hiệu hoá” (tức bị tiêu diệt, bắt giữ hoặc đầu hàng).
Ngày 9-8, trang mạng xã hội X của bộ này tiếp tục cập nhật đã “vô hiệu hoá” 13 tay súng người Kurd ở miền bắc Iraq. Tổng cộng 1.665 tay súng người Kurd đã bị “vô hiệu hoá” trong các chiến dịch mà Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở miền bắc Iraq và Syria từ đầu năm 2024 tới nay.
Từ năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch mang tên Claw-Lock chống lại các lực lượng người Kurd ở phía bắc Iraq. Theo tờ Hurriyet Daily, một số nguồn tin thân cận với lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá chiến dịch này đang “hiệu quả và thành công”.
Phát biểu tại một học viện quốc phòng ở Istanbul hồi tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng các lực lượng PKK đã “hoàn toàn bị mắc kẹt” ở Iraq và Syria. Ông Erdogan cũng cho biết Ankara sẽ sớm siết vòng vây ở miền bắc Iraq và hoàn tất chiến dịch Claw-Lock.
Trước đó hơn một tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cho biết Ankara quyết tâm xây dựng một hành lang an ninh sâu 30-40 km dọc biên giới với Iraq và Syria và “xoá sổ hoàn toàn những kẻ khủng bố (ám chỉ người Kurd) trong khu vực”.
Những toan tính của Ankara trong bối cảnh khu vực
Sự phối hợp giữa Ankara và Baghdad đã được tăng cường, nhất là sau khi Iraq tuyên bố PKK là lực lượng bị cấm tại nước này hồi tháng 3. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kỳ vọng nhiều hành động mạnh mẽ hơn từ phía Iraq chống lại PKK.
Dù phản đối “cuộc xâm nhập quân sự” của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các mục tiêu của PKK ở sâu bên trong lãnh thổ Iraq hồi tháng 7, Baghdad không phản ứng gay gắt mà chỉ kêu gọi Ankara lựa chọn phương thức ngoại giao để giải quyết “bất kỳ vấn đề nào liên quan đến an ninh” của hai nước.
Đồng thời, Ankara vẫn đang xem xét tới ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, chuyên gia Tyler Stapleton thuộc Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (FDD) nhận định. Ông cho rằng Tổng thống Erdogan có thể kỳ vọng Mỹ giảm bớt sự hiện diện, nhờ đó, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ lấp đầy khoảng trống an ninh ở miền bắc Iraq.
Còn theo cựu Nghị sĩ châu Âu Jurgen Klute, các cuộc xung đột vũ trang đang tiếp diễn ở Ukraine và khu Bờ Tây khiến Liên minh châu Âu (EU) và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – vốn vẫn im lặng trước các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Iraq – không ở vị thế thuận lợi nếu muốn gây áp lực buộc Ankara dừng các chiến dịch chống lại người Kurd.
Trong khi đó, ở Syria đã ghi nhận các cuộc giao tranh giữa Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) – lực lượng người Kurd được Mỹ hỗ trợ và hợp tác cùng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng Thổ Nhĩ Kỳ xem là một chi nhánh của PKK và – với một số nhóm địa phương người Ả Rập hôm 7-8. Đây là đợt đụng độ dữ dội nhất liên quan tới người Kurd ở Syria trong 1 năm qua.
Truyền thông khu vực cũng đưa tin về việc Nga và Syria chuẩn bị mở một căn cứ mới ở khu vực Ayn al-Arab giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hurriyet Daily cho biết Ankara coi động thái này “làm suy yếu sự hiện diện của PKK/YPG trong khu vực” và đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến mới ở Syria.