Thở phào nhờ giá USD đã vượt qua 'tâm bão'

(PLO)- Việc đồng đô la Mỹ liên tiếp đi xuống trong những ngày gần đây được đánh giá là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau thời gian dài liên tục biến động theo hướng tăng mạnh, tỉ giá USD/VND đang có dấu hiệu hạ nhiệt và đón nhận một số thông tin tích cực. Thậm chí một số chuyên gia dự báo rằng “mùa giông bão” của tỉ giá như hồi đầu tháng 11 khó có thể quay lại.

Với diễn biến mới này, các doanh nghiệp nhất là các đơn vị có vay nợ bằng USD có thể thở phào nhẹ nhõm.

Đồng USD lao dốc

Đợt tăng lãi suất cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2022 diễn ra ngày hôm qua đã giảm tốc nhờ lạm phát của quốc gia này đang có dấu hiệu dịu lại. Cụ thể, kết thúc cuộc hop chính sách vào rạng sáng 15-12 (theo giờ Việt Nam), cơ quan này chỉ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, mức tăng lần này nhẹ nhàng hơn bốn đợt tăng với mức 75 điểm phần trăm. Hiện lãi suất định hướng của Mỹ là 4,25%-4,5%.

Kiều hối giúp tỉ giá hạ nhiệt

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, vừa cho biết lượng kiều hối đổ về TP năm nay dự báo đạt khoảng 6,8 tỉ USD. Kiều hối tăng mạnh dịp cuối năm cũng góp phần giảm bớt áp lực tỉ giá USD/VND.

Phản ứng với thông tin này, ngày 15-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỉ giá trung tâm của USD/VND ở mức 23.652 VND/USD, tiếp tục giảm 2 đồng so với trước đó một ngày. Trước đó cơ quan này đã nhiều lần điều chỉnh giảm giá bán USD với tổng mức giảm hơn 40 đồng/USD so với đỉnh.

Đáng chú ý, từ đầu tháng 11 đến nay, tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại, tự do đều có xu hướng giảm nhanh. Đơn cử ngày 15-12, Ngân hàng BIDV niêm yết giá mua - bán ở mức 23.390 - 23.670 VND/USD, giảm 25 đồng so với cuối phiên hôm trước. Như vậy, hiện giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm hơn 4,8% so với đầu tháng 11, tương đương mức giảm khoảng 1.200 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, tỉ giá USD/VND cũng lao dốc. So với đầu tháng 11, thời điểm giá USD tự do bật lên mốc gần 25.500 đồng thì đến nay giá mỗi đô la chợ đen đã giảm khoảng 5,4%, tương đương giảm 1.375 đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định: Có hai nguyên nhân chính khiến tỉ giá thời gian gần đây hạ nhiệt, cả nguyên nhân khách quan lẫn nội tại. Từ bên ngoài, giá trị đồng USD trong tháng 11 đã giảm mạnh (từ đầu tháng 10 đến nay chỉ số DXY-Index đo sức mạnh của đồng bạc xanh đã mất hơn 9% - PV) do lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh. Nền kinh tế Mỹ cũng tăng trưởng trở lại trong quý III và Fed phát tín hiệu sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Khi đồng USD giảm giá cũng giảm áp lực lên tỉ giá USD/VND.

Đối với nguyên nhân nội tại, việc NHNN gia tăng lãi suất tiền đồng, tức nới rộng biên độ chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và lãi suất VND để bảo đảm người nắm giữ tiền Việt Nam vẫn thấy có lợi hơn so với găm giữ đồng đô la. Ngoài ra, hoạt động thương mại vẫn duy trì trạng thái xuất siêu cũng tạo dư địa giúp tỉ giá hạ nhiệt.

Kỳ vọng tỉ giá ít biến động

Giới phân tích kinh tế dự báotỉ giá USD/VND sẽ tiếp tục duy trì xu hướng ổn định trong thời gian tới, bất chấp nhu cầu có thể tăng vào dịp cuối năm. Đáng chú ý, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định diễn biến căng thẳng của tỉ giá có dấu hiệu dừng lại khi cung cầu USD trên thị trường được cân bằng. Hơn nữa một số quỹ có khuynh hướng huy động ròng rất nhiều cũng giúp USD chảy vào Việt Nam nhiều hơn, nhờ vậy hỗ trợ cho tỉ giá USD/VND bớt căng thẳng.

Giá USD ở ngân hàng thương mại và thị trường tự do lao dốc trong thời gian gần đây. Ảnh: TL

Giá USD ở ngân hàng thương mại và thị trường tự do lao dốc trong thời gian gần đây. Ảnh: TL

Vậy vấn đề đặt ra là xu hướng giảm giá của đồng USD có bền vững hay không? Trao đổi về điều này, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Nguyễn Thế Minh nói: Muốn biết xu hướng của tỉ giá USD/VND phải nhìn vào sự dao động của chỉ số USD-Index đo sức mạnh của đồng đô la. Về cơ bản, trong năm 2023 mặc dù Fed vẫn sẽ tăng lãi suất nhưng cơ quan này sẽ sớm điều chỉnh giảm tốc độ tăng lãi suất, đồng nghĩa đồng USD khó tăng mạnh trở lại.

“Tôi cho rằng giai đoạn nóng sốt của đồng đô la đã qua rồi. Có thể giá USD không giảm nhiều so với cuối năm 2021 nhưng sẽ khó tăng bốc đầu như giai đoạn tháng 10 và tháng 11 vừa qua nữa. Khi sức ép tăng lãi suất của Fed giảm, cộng thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng tốt và cán cân thanh toán thặng dư thì áp lực của tỉ giá cũng giảm bớt và tiền đồng cũng dễ thở hơn” - ông Minh nêu quan điểm.

Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia kinh tế của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đánh giá sự kết hợp giữa hai xu hướng Fed bớt “diều hâu” hơn trong việc tăng lãi suất và dự trữ ngoại hối Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà tăng của tỉ giá. Đồng thời yếu tố này cũng hé mở khả năng tỉ giá cuối năm 2023 sẽ giảm 1%-2% so với mức hiện tại.

Hơn nữa trước khả năng lộ trình thắt chặt của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ chậm dần lại và lạm phát trong nước vẫn đang trong tầm kiểm soát, VNDirect cho rằng NHNN chưa cần nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới. Đặc biệt, nếu tỉ giá tiếp tục hạ nhiệt, cơ quan này có thể quay lại mua ròng ngoại tệ để bơm thêm tiền đồng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng giai đoạn cuối năm, tạo điều kiện giải cơn khát vốn cho thị trường.

Tỉ giá hạ nhiệt nhưng lãi suất vẫn cao

Nếu trong quý III, khi tỉ giá USD/VND tăng mạnh đã kéo lợi nhuận của các công ty có nợ vay bằng USD đi thụt lùi thì nay khi tỉ giá hạ nhiệt sẽ giúp gánh nặng lỗ tỉ giá giảm đi đáng kể. Qua đó lợi nhuận quý IV của nhóm các công ty này phần nào được cải thiện.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Long, cho biết ngay từ hồi đầu năm, công ty đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau để ứng phó với sự biến động tỉ giá nhưng các khoản bù lỗ tỉ giá vẫn tăng vượt dự báo. Nay giá USD giảm giúp nhiều công ty thở phào.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng lãi suất cho vay cao buộc công ty phải tiết kiệm tối đa các chi phí đầu vào mới duy trì được tính cạnh tranh và công ăn việc làm cho người lao động. Vì vậy, các cơ quan điều hành và ngành ngân hàng cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để ổn định lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm