Thỏa thuận Mỹ-Trung sắp chạm đích: Niềm vui xen lẫn lo ngại

Trong một động thái tích cực, cả Trung Quốc (TQ) và Mỹ đều đã đưa ra những tuyên bố mới ca ngợi các tiến bộ đạt được trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một. Thông báo đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 25-10.

Bắc Kinh sẵn sàng cải cách

Theo Tân Hoa Xã, Mỹ đã đồng ý nhập khẩu thịt gia cầm của TQ và triển khai hệ thống giám sát chất lượng đối với các sản phẩm cá da trơn. Đổi lại, TQ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm gia cầm Mỹ. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cũng cho biết hai nước đã có một số tiến triển mới trong đàm phán một số vấn đề cụ thể và đã gần như hoàn thành một số phần của thỏa thuận.

Nhà nghiên cứu Chen Fengying thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại (TQ) cho rằng không nên quá lạc quan trước các tiến triển có được ở giai đoạn một. “Điều này rất hợp lý vì những phần dễ dàng nên được tiến hành trước khi làm việc với những khía cạnh khó khăn hơn. Thỏa thuận này không thể đạt được nhanh chóng vì danh sách đàm phán có thể dài tới hàng ngàn trang” - tờ The South China Morning Post dẫn lời bà Chen cho biết.

Thỏa thuận giai đoạn hai được kỳ vọng sẽ đề cập đến các vấn đề gây tranh cãi hơn như quyền sở hữu trí tuệ, việc chuyển giao công nghệ bắt buộc và cơ chế thương mại song phương. Tuy nhiên, “Bắc Kinh có thể sẽ cảnh giác hơn đối với yêu cầu cải cách quá sâu rộng của Washington” - GS Wang Yiwei tại ĐH Renmin (TQ) nhận xét.

“TQ hiện sẵn sàng đàm phán về các vấn đề trọng tâm như thương mại nhưng họ vẫn khá thận trọng đối với các chiến lược của Mỹ và sẽ không tỏ ra nhượng bộ. Dù vậy, TQ có thể vẫn sẵn sàng thực hiện một số cải cách nhất định như tự do hóa thị trường và thay đổi các quy định về sở hữu trí tuệ” - ông Wang nói.

Từ trái sang: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong buổi gặp gỡ ở Trung Quốc vào tháng 8-2019. Ảnh: GETTY IMAGES

Những lo ngại từ hai bên

Một trong những vấn đề gây tranh cãi không ngừng giữa Washington và Bắc Kinh là các cáo buộc TQ ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ. Cụ thể, các công ty nước ngoài muốn hoạt động tại TQ sẽ phải chia sẻ các công nghệ nội bộ hoặc thậm chí là các bí mật cho chính quyền sở tại. Doanh nghiệp Mỹ cảnh báo Washington phải cứng rắn đối với vấn đề cốt lõi này, tờ The Wall Street Journal đưa tin.

Lời hứa mua thêm sản phẩm nông nghiệp rất đáng hoan nghênh nhưng chi tiết về thời gian, giá cả, hàng hóa và nhiều câu hỏi khác nữa vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Nhóm FARMERS FOR FREE TRADE 
(Hiệp hội Nông dân vì tự do thương mại Mỹ) 

“Không có gì đảm bảo chuyện gì xảy ra tiếp theo sau khi giai đoạn một được thông qua. Vẫn có rủi ro những cuộc đàm phán tương lai sẽ không mang lại kết quả gì” - bà Christine Bliss, Chủ tịch Liên minh các ngành dịch vụ, phát biểu.

Trong khi đó, các quan chức TQ cho biết sẽ áp dụng một bộ luật đầu tư nước ngoài mới vào năm 2020 nhằm giải quyết các yêu cầu của Washington về việc mở cửa cho các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây đưa tin một số mục tiêu khác đã xuất hiện trong các cuộc đàm phán và việc yêu cầu TQ mở cửa thị trường đã không còn là ưu tiên hàng đầu của Washington.

Song song với cam kết mở cửa thị trường, Bắc Kinh vẫn đang dựng một hệ thống xếp hạng tín nhiệm xã hội để thu thập và phân tích dữ liệu nhằm đánh giá mức tín nhiệm của hàng triệu doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại TQ. Theo đó, các công ty nước ngoài sẽ được phân tích dựa trên các cơ sở như hợp đồng kinh doanh, trách nhiệm xã hội, việc tuân thủ các quy định trong nước và số lượng đảng viên TQ trong cơ cấu nhân viên. Những công ty không đáp ứng được các yêu cầu này sẽ bị liệt vào danh sách đen và phải chịu các mức chế tài như không được vay vốn lãi suất ưu đãi giá rẻ, phải đóng thuế xuất nhập khẩu cao và các lãnh đạo của công ty bị hạn chế ra vào TQ.

Trong khi đó, một số chuyên gia TQ lo ngại dù Mỹ đã đưa ra lệnh ngừng chiến thuế quan, Bắc Kinh sẽ không sớm tỏ ra nhượng bộ, đặc biệt trong bối cảnh chính trị bất ổn với vấn đề luận tội và bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sắp tới.

Khi nào ký thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một?

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một dự kiến sẽ được lãnh đạo hai nước Mỹ và TQ ký trong giữa tháng 11 tới tại Chile. Theo đó, Bắc Kinh hứa sẽ mua khoảng 40-50 tỉ USD nông sản của Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ không áp thêm thuế mới lên hàng nhập khẩu của TQ. Tuy nhiên, TQ vẫn có thể đứng trước khả năng chịu áp thuế 15% vào 160 tỉ USD hàng hóa trị giá vào ngày 15-12 nếu ông Trump không chịu nhượng bộ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm