Bí thư TP Thủ Đức: 8 mong muốn về cơ chế, con người... để phát triển xứng tầm

Sáng 7-1, Học viện Cán bộ TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành uỷ TP Thủ Đức, cho biết hiện nay Ban Thường vụ Thành uỷ TP Thủ Đức đang trình Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM để có nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức. Trong đó sẽ có một số quyền được phân cấp, uỷ quyền lại cho TP Thủ Đức.

thu-duc-mong-tham-quyen-cap-tinh

Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo về cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức. Ảnh: LÊ THOA

Mong Thủ Đức là đô thị tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Ông Hiếu đã trình bày trước hội thảo tám mong muốn của TP Thủ Đức hiện nay. Trong đó, ông mong TP Thủ Đức là đô thị tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đủ thẩm quyền để quyết định những vấn đề của quá trình phát triển đô thị.

Theo ông Hiếu, dự kiến đến năm 2030, dân số TP Thủ Đức khoảng 1,5-2 triệu dân, đến năm 2040 là 3 triệu dân, trở thành một siêu đô thị nên việc quản trị xã hội hoàn toàn khác biệt so với đô thị khác. Do đó rất cần đủ thẩm quyền để quyết định những vấn đề về quản trị, quản lý đô thị được giao nhằm lo được những việc người dân trên địa bàn đang cần.

Bí thư Thành uỷ TP Thủ Đức cũng mong muốn có đủ nhân lực để làm việc và phục vụ cho việc quản lý đô thị này. “Thẩm quyền lớn hay nhỏ là do cấp trên giao nhưng phải có con người, bộ máy” – ông Hiếu nói và cho biết dân số bao nhiêu thì cần có đội ngũ cán bộ phù hợp tương ứng; phường hơn 100.000 dân cũng quản lý như phường hơn 20.000 dân thì không được mà bộ máy phải khác biệt, nhiều hơn.

Hiện TP Thủ Đức quản lý 1,2 triệu dân có một chủ tịch và ba phó chủ tịch, cũng giống như các quận, huyện có 150.000 – 200.000 dân. “Các phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực ngồi ký văn bản theo thẩm quyền là đủ hết thời gian rồi, chưa nói đến việc giải quyết các vấn đề khác” – ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu cũng mong TP Thủ Đức đủ tài lực để duy trì, kiến thiết, phát triển đô thị. Theo ông, làm sao có kiến nghị về nguồn tài chính tự chủ, làm ra được nhiều của cải vật chất thì được giữ lại để tái đầu tư xã hội, phục vụ cộng đồng. Từ đó, người dân được thụ hưởng nhiều hơn từ thuế do chính mình nộp vào.

thu-duc-mong-tham-quyen-cap-tinh

 Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành uỷ TP Thủ Đức, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Về quy hoạch, ông Hiếu nhìn nhận TP Thủ Đức cần có quy hoạch tốt, tầm nhìn, khát vọng nhưng rất thực tiễn và phải được người dân đồng thuận cao. Ông cho rằng khi xem lại thì thấy có nhiều bản quy hoạch theo chủ quan của nhà quản lý, người hoạch định, chứ không sát thực tiễn để người dân được thụ hưởng từ quá trình quy hoạch đó.

“Cứ đẩy người dân ra bên lề quy hoạch thì không ổn vì sự đồng thuận không cao” – ông Hiếu nêu và cho biết mọi cơ sở vật chất đều được xây dựng trên đất đai, muốn xây dựng gì mới thì cũng phải có đất.

Ông dẫn chứng cảng Cát Lái có diện tích hơn 20 ha nhưng tổng nguồn thu xuất nhập khẩu từ cảng này chiếm tỉ trọng 70% tổng nguồn thu từ xuất nhập khẩu của TP.HCM và chiếm khoảng 50% tổng xuất nhập khẩu quốc gia. Do đó, nếu quy hoạch tốt, phát huy lợi thế địa thế về giao thông đường thuỷ tốt thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng tốt cho ngân sách chung của TP.HCM và cả nước. Hay Khu công nghệ cao có nhiều tập đoàn lớn đóng góp tỉ trọng xuất nhập khẩu của TP.HCM và cả nước cũng rất cao.

“Phải nghiên cứu cách vận hành tạo giá trị gia tăng từ đất đai mà chúng ta có, sắp tới còn tạo ra quỹ đất mới nhưng phải có sự đồng thuận cao của người dân, để có dư địa kêu gọi đầu tư” – Bí thư Thành uỷ TP Thủ Đức phân tích.

Thẩm quyền cấp tỉnh là phù hợp nhất với Thủ Đức

Đi sâu vào việc đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức, Bí thư TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết có nhiều hướng đi. Trong đó, Thủ Đức có học tập kinh nghiệm nước ngoài, có nghiên cứu mô hình đặc khu của Trung Quốc vì cùng thể chế.

Ông cho rằng có thể lấy cái đang có trong nước để vận hành và áp dụng tại Thủ Đức. “Ví dụ thẩm quyền cấp tỉnh ở Thủ Đức nếu đủ dư địa, không gian, dân số, đủ tính chất hoạt động kinh tế - xã hội, đủ các thành phần để hoạt động như mô hình chính quyền, bộ máy, chế độ, chính sách, thẩm quyền của cấp tỉnh thì vận hành” – ông Hiếu đề xuất và cho biết sau khi nghiên cứu đặc thù về đặc khu ở một số nơi, ông thấy thẩm quyền cấp tỉnh là hợp lý nhất. Tuy nhiên, việc này cần sự chấp thuận của Trung ương và TP.HCM.

Theo ông Hiếu, nếu cho TP Thủ Đức thẩm quyền như cấp tỉnh với nhiều quyền tự chủ thì sẽ bớt thẩm quyền của TP.HCM. Dù vậy sẽ không có gì mất đi vì toàn bộ sẽ phục vụ cho sự phát triển của TP.HCM.

“TP.HCM có thể vẫn quản lý toàn bộ đội ngũ cán bộ chủ chốt, bổ nhiệm, quản lý trực tiếp, lãnh đạo toàn diện thông qua đội ngũ cán bộ chủ chốt. Còn thẩm quyền quản lý, lãnh đạo, điều hành giao cho cấp dưới theo đúng xu thế thì vẫn vận hành được” – ông Hiếu thông tin.

Ông nhìn nhận TP.HCM cũng có thể kiểm soát bằng định chế tài khoá, tài chính cho một chu kì phát triển 5-10 năm nhưng vẫn đảm bảo quyền tự chủ của một địa phương.

Người đứng đầu TP Thủ Đức còn đề xuất việc cùng nghiên cứu với các địa phương khác có cùng mong muốn mô hình TP trong TP như Đà Nẵng, Hải Phòng Cần Thơ, Hà Nội. Từ đó, sẽ kiến nghị chung với các tỉnh, thành để tạo sự đồng thuận cao hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm