Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp, Tổng cục Thống kê, cho biết tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm vào sáng 27-6.
EU dẫn đầu thị trường xuất khẩu
Theo Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 70,9 tỉ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao chủ yếu ở khu vực FDI với các mặt hàng như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép… Về thị trường xuất khẩu, EU dẫn đầu với tổng kim ngạch ước đạt 13,1 tỉ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ, kế đến Hoa Kỳ và thị trường ASEAN. Riêng Trung Quốc đứng vị trí thứ tư với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,4 tỉ USD, tăng 20,8%.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trong sáu tháng qua có hơn 37.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 231.000 tỉ đồng. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể trong thời gian này cũng ở mức hơn 33.400 doanh nghiệp (trong đó 4.751 doanh nghiệp giải thể). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại sau một thời gian tạm ngưng khoảng 8.300 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao chủ yếu ở khu vực FDI với các mặt hàng công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện chính xác trong khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HỮU LUẬN
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm nhẹ
Đáng lưu ý, với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20,4 tỉ USD (tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước), Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm. Như vậy, từ đầu năm đến nay, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước đạt 13,1 tỉ USD, tăng 21,2%.
Tính chung trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 69,6 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế trong nước chiếm 30,3 tỉ USD, còn khu vực FDI 39,3 tỉ USD. Bên cạnh thị trường Trung Quốc dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu thì ở các thị trường khác, kim ngạch nhập khẩu đều tăng nhưng ở mức độ thấp hơn.
Trả lời câu hỏi của báo chí về tác động của tình hình biển Đông lên quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ phó Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ thông tin: Trung Quốc chiếm thị phần lớn (23%) trong thương mại Việt Nam. Trong hai tháng qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước có giảm nhẹ. Tuy nhiên, trong thời gian tới có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều. “Riêng về nhập khẩu, phần lớn hàng hóa nhập từ Trung Quốc là máy móc trang bị và nguyên vật liệu chiếm khoảng 40%-43% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó riêng các mặt hàng điện thoại, điện tử, linh kiện chiếm đến 70%. Đây là con số rất lớn, không thể trong một thời gian ngắn có thể cải thiện được” - bà Thủy nhấn mạnh.
THU HẰNG
Khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6 Việt Nam đón khoảng 539.000 lượt khách quốc tế, giảm 19,9% so với tháng trước. Trong đó giảm nhiều nhất là khách đến với mục đích du lịch thuần túy, giảm 21,2%. Số khách Trung Quốc giảm 29,5% so với tháng trước. Khách quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến Trung Quốc cũng giảm 50% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính cả sáu tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 4,3 triệu lượt, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. |