Chiều 1-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có buổi làm việc với UBND quận Bình Thạnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận.
Chủ tịch UBND TP đặt ra một số vấn đề thực tế về công tác điều trị các F0 không triệu chứng và F0 chuyển nặng, đề nghị quận Bình Thạnh báo cáo về quy trình xử lý các trường hợp này nhằm không để có trường hợp nào tử vong tại nhà.
“Quan trọng nhất là F0 chuyển nặng”
Tại cuộc họp, ông Phong cho biết thời gian vừa qua có tình trạng các hộ dân có trường hợp chuyển nặng gọi về phường hay quận đều nghẽn. Do đó, ông đề nghị phải có biện pháp kết nối giữa phường với quận.
Sở Y tế cũng nâng cấp hai bệnh viện dã chiến tại TP Thủ Đức với mỗi bệnh viện khoảng 2.000 giường, trang bị đầy đủ oxy máy thở nhằm giải quyết đầu ra.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về công tác chống dịch với quận Bình Thạnh chiều 1-8. Ảnh: NGUYỄN YÊN
“Mặc dù có các nỗ lực như vậy nhưng tình hình vẫn không biến chuyển bởi lẽ điểm nghẽn của 115 là khi chuyển vào đơn vị thì các bệnh viện tiếp nhận đều đầy. Nếu chúng ta giải quyết được thông suốt thì sẽ phục vụ tốt cho F0 chuyển nặng vì mục tiêu của chúng ta là tập trung vào các ca F0 chuyển nặng” - ông Phong cho biết.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị thông tin về quy trình quản lý F0 và xử lý trong các trường hợp F0 chuyển nặng hoặc có vấn đề. Ông yêu cầu quận Bình Thạnh cần phải quản lý cho được các ca F0, đặc biệt là trường hợp có triệu chứng và bệnh nền. Các trường hợp này chuyển nặng thì ngay Lập tức phải đưa đến các cơ sở điều trị.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy, cho biết tính từ 27-4 đến ngày 31-7 toàn quận có 3.666 ca F0. Trong đó, F0 được cách ly, điều trị tại nhà là 290 trường hợp.
Hiện số F0 đang cách ly tập trung tại 15 cơ sở trên địa bàn quận là 1.548 ca. Trong đó có 504 F0 nhẹ, không có triệu chứng và 244 ca F0 có bệnh nền và, nặng.
Ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Về phương án xử lý đối với các trường hợp F0 chuyển nặng, quận đều báo lên trung tâm cấp cứu 115 và chủ động chuyển sang các bệnh viện xung quanh hoặc bệnh viện quận Bình Thạnh để tiếp cận điều trị ban đầu.
Đồng thời, quận cũng đã thành lập một bệnh viện dã chiến quy mô 180 giường với 20 họng oxy áp lực cao. Trong trường hợp có phát sinh đột biến, cơ sở này có thể nâng lên 300 giường.
Nắm chắc F0 để kịp thời xử lý
Về quy trình tiếp nhận, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết quận đã xây dựng và triển khai các phương án điều trị, xử lý với các ca F0 chuyển nặng.
“Chúng tôi đã chuẩn bị 22 xe loại 16 chỗ bán tải hoán cải để lắp băng ca, bình oxy. Thành lập hai đội phản ứng nhanh với đội trưởng là các bác sĩ chuyên môn từ bệnh viện quận. Ngoài ra còn có 20 đội phản ứng nhanh của phường, mỗi phường chia hai tổ. Tổ trưởng là một người từ trạm y tế có chuyên môn” - ông Huy thông tin.
Quận Bình Thạnh triển khai 22 xe loại 16 chỗ gắn bình oxy và băng ca phục vụ công tác chống dịch. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Với các F0 không có triệu chứng được điều trị tại nhà, quận cung cấp các số điện thoại cho họ để khi có vấn đề thì xử lý kịp thời. Với trường hợp F0 có triệu chứng vừa và nặng thì đưa vào các cơ sở y tế. Tuy nhiên, nếu F0 không có triệu chứng mà ở trong khu dân cư dày đặc thì phải đưa vào khu cách ly tập trung.
Ông Huy cho biết thêm, khi có F0 trong cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh tiếp cận ngay thông qua số điện thoại trên tờ rơi được phát đến cho các hộ dân. Khi F0 có triệu chứng, lực lượng phản ứng nhanh của phường sẽ có mặt để sàng lọc tại nhà. Các triệu chứng nhẹ sẽ được vận động, nhắc nhở để bà con ở nhà cách ly.
“Trong trường hợp có thể có triệu chứng ngay thì sẽ chuyển lên quận và đưa vào khu thu dung. Tương tự, trong khu thu dung, nếu F0 có triệu chứng thì tổ cơ động của quận sẽ đến và xử lý ngay đối với trường hợp đó” - ông Huy nói.
Chủ tịch TP.HCM đến thăm trung tâm điều trị F0 sắp đưa vào hoạt động của quận Bình Thạnh. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các chủ tịch, phó chủ tịch quận phụ trách xét nghiệm phải nắm chắc các F0 để có ứng xử kịp thời. Phải xác định quy trình xử lý hết sức chặt chẽ. Cần đặt chỉ tiêu chăm lo, hỗ trợ cho bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong. Tuyệt đối không để trường hợp nào tử vong tại nhà.
“Khi họ chuyển nặng mà quy trình không xử lý kịp thời, các đường dây nghẽn, họ sẽ tử vong tại nhà. Đó là nỗi ray rứt của chúng ta” - ông Phong phân tích và yêu cầu cần nắm chắc F0 để có quy trình xử lý ngay khi những người này chuyển nặng.
Sau buổi họp với UBND quận Bình Thạnh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đến thăm trung tâm điều trị ban đầu F0 trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Chủ tịch UBND TP đánh giá cao công tác chuẩn bị của quận Bình Thạnh trong việc thành lập khu thu dung này. Trong ngày 2-8, trung tâm này sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân.
Trước đó, sáng 31-7, quận Bình Thạnh tổ chức diễn tập tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm thu dung cách ly F0 có triệu chứng trường tiểu học Bình Hoà (số 1 Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh). Đây là trung tâm được xây dựng dựa trên cơ sở trường tiểu học Bình Hoà (hiện đã xây mới) nhằm tiếp nhận ban đầu các bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng. Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy, cho biết trung tâm này sẽ được sử dụng tiếp nhận các trường hợp F0 để điều trị ban đầu. Quy mô của trung tâm hiện tại là 36 phòng với 180 giường bệnh. Các phòng bệnh có sáu giường mỗi phòng. Trung tâm có 20 giường hồi sức có khu vực quan sát dành cho nhân viên y tế. Sau khi tiếp nhận, trường hợp nhẹ được đưa vào phòng theo dõi, trường hợp nặng được nhân viên y tế đánh giá rồi chuyển sang phòng hồi sức cho thở oxy. Bác sĩ Trần Trung Đệ cho biết khu vực này trước là trường tiểu học Bình Hòa. Do tình trạng F0 trên địa bàn quận Bình Thạnh tăng nhanh nên cần một trung tâm tiếp nhận các ca F0 có triệu chứng và có dấu hiệu suy hô hấp. |