Tính đến 14 giờ 30 chiều nay, Đà Nẵng ghi nhận thêm 51 ca COVID-19, trong đó 28 ca đã cách ly, 5 ca từ khu vực phong tỏa và 18 ca ngoài cộng đồng. Tổng số ca mắc từ 10-7 là 565 ca.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, đề xuất TP cần ban hành cách ly xã hội cao hơn Chỉ thị 16.
Cụ thể, đóng cửa tất cả các hoạt động trên địa bàn trong vòng 14 ngày, bao gồm cả dịch vụ bán hàng ăn uống mang đi và hoạt động xây dựng cơ bản đang được phép hiện nay.
Chỉ cho phép bốn hoạt động thiết yếu gồm: hoạt động của chợ và siêu thị (nhưng không quá 50% các quầy thiết yếu được hoạt động), cho phép hoạt động công vụ, công sở nhà nước (duy trì 50% số người làm việc, dừng tiếp nhận tại Tổ “1 cửa”). Cho phép hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu (có kèm theo danh mục và biện pháp kèm theo), đối với các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được hoạt động nếu đáp ứng được “3 tại chỗ”. Cuối cùng là hoạt động vận chuyển hàng hoá thiết yếu.
“Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trừ khi tham gia 4 hoạt động trên. Đồng thời thực hiện giới nghiêm, người dân không ra đường từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ lực lượng làm nhiệm vụ, trường hợp đi cấp cứu, đưa tang. Sau 14 ngày tuỳ tình diễn biến dịch thì có biện pháp tiếp theo”- ông Sơn nói.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc tổ chức, triển khai quyết liệt các biện pháp, đến nay, TP cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Về tổng thể, các biện pháp triển khai đang đạt được một số kết quả nhất định, nhưng so với yêu cầu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu.
“Tại diễn đàn Quốc hội cũng như bên lề, các địa phương, kể cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh. Vào lúc đầu giờ họp, từ TP.HCM, Chủ tịch nước cũng đã gọi điện và có lời động viên với TP Đà Nẵng chúng ta. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta chưa có khả năng ngăn chặn kịp thời chuỗi lây nhiễm lần này”- ông nói.
Theo Bí thư Quảng, một trong những hạn chế hiện nay là lãnh đạo các cấp chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch mà TP đang áp dụng.
“Tôi đã cho văn phòng thống kê một bản so sánh giữa Chỉ thị 16 với các biện pháp đang áp dụng thì khẳng định là chúng ta đang áp dụng cao hơn Chỉ thị 16. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo các cấp nhận thức đầy đủ hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của chúng ta. Chúng ta ban hành rất nhiều văn bản nhưng việc tổ chức triển khai trên thực tế vẫn còn lúng túng”- ông nói và cho biết TP sẽ có biện pháp mạnh hơn nhưng vấn đề tổ chức triển khai trên thực tế mới là quan trọng nhất.
“Tất cả các đồng chí đều đề xuất là sẽ có các biện pháp mạnh, mạnh như thế nào thì lát nữa chúng ta sẽ thảo luận. Nhưng tôi lưu ý là cần chuẩn bị tư tưởng, lực lượng cũng như tinh thần để tổ chức triển khai các biện pháp mạnh như đề nghị của các đồng chí”- ông Quảng nói thêm.
Tối nay, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ họp với các sở, ngành và bí thư các quận, huyện để bàn các biện pháp chống dịch trong những ngày tới.