Những điểm mới đáng chú ý của Luật Cư trú

Sáng 11-12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về bảy luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, trong đó có Luật Cư trú (sửa đổi).

Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Thông tin tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết việc sửa đổi Luật Cư trú nhằm cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hoá giấy tờ, giảm thời gian, chi phí. 

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: XĐ

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, việc này còn nhằm xoá bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cũng thông tin vào năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

“Trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, thì yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hoá công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới” - ông Hùng nói.

Luật Cư trú năm 2020 gồm bảy chương, 38 điều có nhiều điểm mới đáng chú ý. Luật đã bỏ một số nội dung quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến sổ hộ khẩu; đồng thời bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới như truy nhập, khai thác, huỷ hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xoá, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú…

Luật cũng quy định công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của luật này và các luật khác có liên quan. Thông tin cá nhân, hộ gia đình trong cơ sở dữ liệu về cư trú được bảo đảm bí mật, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật…

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ công an nhấn mạnh Luật Cư trú 2020 đã thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng mã số định danh cá nhân để truy cập điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo ông Hùng, việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính, hoặc tham gia giao dịch dân sự. 

“Công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân, hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện”- Thứ trưởng Công an nói.

Luật cũng loại bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các thủ tục: Tách sổ hộ khẩu được thực hiện bằng việc điều chỉnh, cập nhật trường thông tin về chủ hộ, quan hệ với chủ hộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú…

Thời gian thực hiện các thủ tục này được đơn giản và rút ngắn hơn trước. Cụ thể, thời gian giải quyết đăng ký thường trú hiện là 15 ngày, sắp tới tối đa còn 7 ngày.

Điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành là như nhau

Một điểm mới khác, Luật quy định nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó.

Trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

Việc bổ sung quy định này để bảo đảm quản lý tốt hơn đối với người chưa đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu như người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú. 

Việc bổ sung quy định này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với dân cư cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận người dân. Quy định này cũng là cơ sở để địa phương xây dựng và áp dụng các chính sách về kinh tế, xã hội phù hợp cho nhóm người này…

Một điểm đáng chú ý khác, Luật Cư trú 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương. Nói cách khác là không còn quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến Pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cũa công dân đang sinh sống trên địa bàn các TP trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trúc mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

Trả lời báo chí về tiến độ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết hiện Bộ Công an đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành trước 1-7-2021. Khi đó, dự liệu có thể thay thế hết các giấy tờ liên quan. 

“Các bạn yên tâm về điều này. Khi cơ sở hoàn thành thì tất cả đầu mối đăng ký cư trú đều được kết nối, không kể vùng sâu, vùng xa hay thành thị”- Thứ trưởng Công an nói và khẳng định tiến độ thực hiện hiện nay không có vấn đề gì trở ngại nào.

Cũng trong sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước cũng công bố Lệnh của Chủ tịch nước về sáu luật khác, gồm: Biên phòng Việt Nam, Thỏa thuận Quốc tế, Người lao động ở Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31-12-2022.

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. 

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm