TP.HCM quyết tâm lập lại trật tự xây dựng

Chiều 12-3, Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 24 quận, huyện. Bên cạnh các vấn đề nóng, cấp bách, cần có giải pháp tháo gỡ, hội nghị cũng bàn các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP sắp tới.

Vi phạm xây dựng không còn tràn lan

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết thời gian qua sở này đã tập hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các quận, huyện để thời gian tới thực hiện tốt hơn Chỉ thị 23/2019.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đánh giá trong sáu tháng qua, vi phạm xây dựng đã giảm và không vi phạm tràn lan. Cụ thể, từ chỗ 8,6 vụ/ngày xuống còn 3,5 vụ/ngày, chiếm tỉ lệ gần 60%. Tuy nhiên, ông Hoan cũng nêu ra nhiều khó khăn hiện nay như: Công tác phối hợp giữa ngành điện, nước, tòa án trong việc ngăn chặn công trình vi phạm xây dựng chưa thống nhất dù đã thảo luận nhiều lần. Việc chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính của các đối tượng vi phạm chưa cao, việc thuê đơn vị cưỡng chế gặp nhiều khó khăn, công tác xác minh tài khoản người vi phạm còn vướng mắc do ngân hàng không tiếp tục phối hợp, đối tượng vi phạm không hợp tác…

Để khắc phục tình trạng vi phạm xây dựng, ông Hoan đã đưa ra các giải pháp từ nay đến cuối năm 2020. Trong đó, nổi bật là việc TP sẽ sắp xếp lại cơ cấu bộ máy thanh tra xây dựng của TP và đội quản lý trật tự xây dựng 24 quận, huyện ngay sau khi được Thủ tướng chấp thuận. Cạnh đó, TP chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị có liên quan ban hành quy chế phối hợp liên thông quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị chung của TP, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị của 35 khu vực được TP chấp thuận.

Từ đó, TP sẽ ban hành quy trình phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Đặc biệt là quy trình cưỡng chế các công trình vi phạm xây dựng có quy mô lớn và nghiêm trọng trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao các sở, ban, ngành TP cùng các quận, huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị 23 và các chỉ đạo của UBND TP. Đồng thời có giải pháp khắc phục ngay các hạn chế, phát huy cao độ tinh thần chống vi phạm xây dựng, ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu.

Để tình hình trật tự xây dựng đi vào nề nếp, ông Phong giao Sở Xây dựng tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý trật tự xây dựng thông qua các phần mềm quản lý trực tuyến, ứng dụng phần mềm về công bố quy hoạch để áp dụng cho toàn TP trước tháng 6-2020.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Gấp rút thực hiện các dự án trọng điểm

Liên quan đến tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, ông Võ Văn Hoan cho biết dự kiến đến tháng 6-2020 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng của dự án. Ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy quận 3, cho biết dự án này đi qua quận 3 tại đường Cách Mạng Tháng Tám với quy mô khoảng 27.000 m2 và 103 hộ bị ảnh hưởng. Quận 3 đã vận động được 81/103 hộ nhận tiền bàn giao mặt bằng, 37 hộ nhận tiền và đang làm thủ tục pháp lý bàn giao mặt bằng. Số còn lại đang tiếp tục vận động. Quận 3 đảm bảo sẽ hoàn tất việc giải phóng mặt bằng trong tháng 6-2020.

Về tuyến vành đai 2 (có bốn đoạn), Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết tiến độ đoạn 1-2, từ cầu Phú Hữu trên vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, các cơ quan có liên quan đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 dọc hai bên tuyến đường. Từ đó TP sẽ hoàn thiện pháp lý, trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp HĐND giữa năm 2020. Nếu dự án phê duyệt dự án vào năm 2020 sẽ tổ chức thi công và hoàn thành từ năm 2022 đến 2024.

Đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quận Thủ Đức được khởi công vào tháng 12-2017. Đến nay đã xây lắp được 42%, hỗ trợ tái định cư được 64%, diện tích bàn giao mặt bằng thi công là 54%. Ông Hoan cho rằng nếu trường hợp bàn giao mặt bằng xong trong quý II-2020 thì thi công hoàn thành công trình trong quý II-2021.

Tương tự, đoạn 4 từ nút giao An Lộc đến đường Nguyễn Văn Linh, TP đang hoàn chỉnh thủ tục đảm bảo tiến độ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa năm 2020.

136 là số dự án sẽ đầu tư/khởi công trong năm 2020 với tổng mức đầu tư lên đến 315.000 tỉ đồng. Trong đó, năm 2020 TP phấn đấu hoàn thành 37 dự án với tổng mức đầu tư gần 40.000 tỉ đồng. 

Đã có vốn, không để dự án bị chậm

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở, ngành, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và lựa chọn nhà thầu để khởi công các công trình đã đăng ký và được bố trí vốn khởi công trong năm 2020. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án.

Ông Phong giao quận, huyện lập kế hoạch, tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư của từng dự án để phối hợp với chủ đầu tư. Từ đó có kế hoạch bố trí vốn phù hợp, đảm bảo không để công tác bồi thường ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đặc biệt các quận, huyện, chủ đầu tư không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm triển khai thẩm định, phê duyệt giá bồi thường, dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho dân. Cạnh đó, phải đảm bảo chi trả bồi thường cho dân trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư không để phát sinh tiền phạt do chậm chi trả cho người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Chính phủ vừa cho phép TP thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. “Đây sẽ là cơ hội để TP đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nêu trên. Không thể để chậm trễ!” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đại hội Đảng phải là “đại hội của nhân dân”

Đến nay, các quận, huyện đều đang gấp rút công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp. Trong đó, nhiều nơi đã tổ chức thành công đại hội thí điểm cấp cơ sở và tiến hành sơ kết để chuẩn bị cho đại hội cấp quận, huyện.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý một số lãnh đạo quận, huyện đang được xác định trách nhiệm quản lý nhà nước như lĩnh vực đất đai, xây dựng. Do đó, ngành kiểm tra Đảng của TP phải thực hiện khẩn trương và có kết luận trước khi tổ chức đại hội.

Cùng với đó, qua việc tổ chức đại hội thí điểm cho thấy quá trình tổ chức đại hội Đảng cần được tổ chức lấy ý kiến người dân về mong muốn, gửi gắm đến đại hội. Có như thế, đại hội Đảng mới là “đại hội của nhân dân”. “Chuẩn bị đại hội Đảng phải gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội của từng quận, huyện và của cả TP trong năm 2020 và các năm tới. Từ đó mới xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và có các giải pháp đáp ứng được sự mong mỏi của người dân TP” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy