Từ ngày 7-2, TP Thủ Đức bắt đầu hoạt động

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký quyết định điều chỉnh kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Quyết định được gửi cho Trưởng các Ban xây dựng Đảng Thành uỷ, thủ trưởng các sở/ngành, Chủ tịch UBND các quận 2, 3, 4, 5, 9, 10, Phú Nhuận và Thủ Đức.

tp-thu-duc

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (giữa) trao nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức cho các lãnh đạo TP.HCM. 
Ảnh: A.DŨNG

Quyết định này được ban hành để điều chỉnh quyết định 4764 trước đó nhằm đảm bảo việc thành lập Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đúng quy định tại Điều 22 luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; cũng như công văn số 23 ngày 15-12-2020 của Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Ba giai đoạn sắp xếp, tổ chức bộ máy TP Thủ Đức

Theo quyết định mới, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức được chia thành ba giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1-1-2020 đến 7-2-2021: Phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức thuộc ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tại các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp. 

Từ đó, đưa bộ máy hành chính nhà nước của TP Thủ Đức chính thức hoạt động vào ngày 7-2-2021.

Cụ thể, trước ngày 8-1, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của ba quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của TP Thủ Đức. Đặc biệt, chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư Thành ủy Thủ Đức và Thành ủy viên.

Như vậy, việc sắp xếp này đã được thực hiện sớm hơn 10 ngày so với Quyết định 4764.

Cạnh đó, trước ngày 14-1, Ban Thường vụ Quận ủy 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và Thành ủy TP Thủ Đức phải tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của các phường trực thuộc theo tên của đơn vị hành chính mới. Chỉ định Ban Chấp hành, Bí thư và Phó Bí thư các phường mới.

Cũng trước ngày 14-1, UBND TP.HCM đề nghị Thường trực HĐND TP.HCM chỉ định triệu tập viên trong số đại biểu HĐND của quận 2, 9, Thủ Đức để triệu tập và chủ tọa cho đến khi HĐND bầu ra Chủ tịch HĐND của TP Thủ Đức.

Tương tự, trước ngày 17-1, HĐND TP Thủ Đức tiến hành bầu các chức danh thuộc thẩm quyền, bao gồm: Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND; Trưởng ban và Phó trưởng ban của các ban thuộc HĐND; Chủ tịch, các Phó chủ tịch và ủy viên UBND.

Đến trước 18-1, Thường trực HĐND các quận và TP Thủ Đức chỉ định triệu tập viên trong số đại biểu HĐND các phường để triệu tập và chủ tọa cho đến khi HĐND bầu ra Chủ tịch HĐND phường mới.  Kế đến, trước ngày 20-1, HĐND các phường sẽ tiến hành bầu các chức danh thuộc thẩm quyền.

UBND TP.HCM còn đề nghị các cơ quan ngành dọc trực thuộc Trung ương gồm: Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Ban Chỉ huy Quân sự, Chi cục Thi hành án dân sự, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc, Ngân hàng Chính sách, Chi cục thuế, Chi cục Thống kê,... căn cứ các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị để tiến hành kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; tài sản; biên chế, công chức, viên chức và người lao động trước ngày 25-1.

tp-thu-duc

Cũng trước ngày 25-1, thủ trưởng các sở/ngành phải kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; tài sản; biên chế, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị trực thuộc cho phù hợp với đơn vị hành chính mới.

Đồng thời, xây dựng nội dung hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp; trực tiếp xử lý những vấn đề vướng mắc của cơ sở theo thẩm quyền. 

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề nghị việc thay đổi bảng tên, biển hiệu, phải được các cơ quan, đơn vị và địa phương hoàn tất trước ngày 1-2. Đến trước ngày 7-2 thì phải thành lập Ủy ban bầu cử ở TP Thủ Đức và ở các phường nơi sắp xếp đơn vị hành chính.

Không thu lệ phí khi người dân chuyển đổi giấy tờ

Giai đoạn 2, từ ngày 7-2 đến ngày bầu cử 23-5, UBND TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ sau khi sắp xếp. Từ đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các đơn vị liên quan phải kiểm tra, rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các hướng dẫn của sở/ngành và cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức với nguyên tắc không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. 

Các cơ quan đơn vị cũng phải tập trung giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Trong giai đoạn 3, sau ngày bầu cử 23-5, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử; hoàn thành cơ bản phương án bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Xây dựng và ban hành quyết định phân cấp, ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức mang tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của TP Thủ Đức.

 

Lập tổ công tác xử lý các vấn đề phát sinh

Tại quyết định này, UBND TP.HCM đã giao Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND TP thành lập Tổ công tác, giúp việc của Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết 1111 do lãnh đạo Sở này làm tổ trưởng.

Tổ công tác nêu trên có nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp các vấn đề phát sinh sau khi TP Thủ Đức được thành lập và đi vào hoạt động. Đồng thời, theo dõi việc hướng dẫn của các sở/ ngành có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc TP Thủ Đức và các phường nơi sắp xếp đơn vị hành chính. Từ đó đề xuất Ban Chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền của các sở/ ngành TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm