Thông điệp hòa bình khép lại tuần làm việc của Đại hội đồng LHQ

(PLO)- Các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-9 (giờ địa phương), tuần lễ thảo luận chung cấp cao trong khuôn khổ khóa họp 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã chính thức khép lại với các phát biểu từ lãnh đạo thế giới xung quanh chủ đề “Thời khắc bước ngoặt: Các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối”.

Quan trọng nhất vẫn là hòa bình thế giới

Trong bài phát biểu bế mạc sự kiện, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 Csaba Korosi tổng kết những thông điệp được các quốc gia đưa ra trong phiên thảo luận chung, trang UN News đưa tin. Ông cho biết phiên họp phản ánh một nhận thức ngày càng rõ ràng rằng thế giới đã bước sang một giai đoạn mới và các điều kiện cơ bản của hợp tác toàn cầu đã thay đổi. Giờ là thời điểm phải chuyển đổi mô hình hợp tác chặt chẽ hơn giữa lúc thế giới đang đứng trước những thách thức phức tạp và các cuộc khủng hoảng đa tầng. Mục tiêu đạt được cuối cùng vẫn phải là hòa bình và ổn định trên toàn cầu, cho tất cả mọi người.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 Csaba Korosi cho biết phiên làm việc năm nay diễn ra sôi nổi với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và đại diện chính phủ của 126/193 quốc gia thành viên. Việc tham gia đầy đủ như vậy cho thấy tầm quan trọng của các cuộc thảo luận chung đối với các vấn đề quốc tế.

Nhà ngoại giao người Hungary cũng cho rằng cần chấm dứt sớm cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời bày tỏ quan ngại về tác động của các cuộc xung đột nói chung trên toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới và đời sống của người dân.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ lưu ý tình trạng gia tăng đầu tư vào vũ khí hạt nhân, một kho vũ khí toàn cầu gồm 13.000 đầu đạn, trong khi “rất nhiều người phải vật lộn để tìm kiếm thức ăn, giáo dục con cái và giữ ấm cho bản thân”.

Phiên thảo luận cuối cùng của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 vào ngày 26-9. Ảnh: AP

Phiên thảo luận cuối cùng của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 vào ngày 26-9. Ảnh: AP

Theo ông Korosi, ưu tiên và nguyên tắc vững chắc hiện nay là việc duy trì Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân như cơ sở cho mọi cuộc đàm phán trong tương lai và khuyến khích những quốc gia chưa thực hiện việc phê chuẩn hiệp ước ngừng các vụ thử hạt nhân.

Ngoài ra, nhiều ý kiến trong phiên thảo luận cũng lo ngại rằng biến đổi khí hậu đang dần hủy hoại nhân loại khi hàng loạt sự kiện siêu thời tiết tiêu cực xảy ra gần đây. Nhiều lãnh đạo tham dự phiên thảo luận, nhất là từ các quốc gia đang phát triển, tiếp tục kêu gọi đưa mức phát thải ròng toàn cầu về 0 và các nước phát triển hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, phiên thảo luận liên tiếp có những tiếng nói thể hiện mong muốn cải tổ LHQ, bao gồm Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Ông Korosi cho rằng cần phải hành động tập thể để giải quyết những thách thức đối với tổ chức này.

Hiểm họa từ vũ khí hạt nhân không thể xem nhẹ

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng có bài phát biểu trong ngày với nội dung xoay quanh sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. “Kỷ nguyên đe dọa hạt nhân phải kết thúc. Vũ khí này không an toàn, chỉ đem lại sự tàn sát và hỗn loạn trên diện rộng. Cuộc Chiến tranh lạnh đã đưa con người sát tới bờ vực diệt vong và tôi sẽ rất tiếc nếu như giai đoạn đó đã qua đi từ rất lâu nhưng giờ đây loại vũ khí này lần nữa được kích hoạt” - ông Guterres cho biết, theo hãng tin AFP.

Trong bối cảnh Nga và phương Tây căng thẳng về các câu hỏi xung quanh việc triển khai loại vũ khí này tới chiến trường Ukraine, ông Guterres kêu gọi một tầm nhìn mới về giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo đó, tầm nhìn này cần phù hợp với Chương trình nghị sự vì hòa bình của LHQ và phải bao gồm tất cả loại vũ khí hạt nhân và phương tiện vận chuyển chúng. Tầm nhìn phải hiểu được ranh giới mờ nhạt giữa vũ khí chiến lược và vũ khí thông thường, cũng như mối liên hệ giữa các loại vũ khí này với các lĩnh vực an ninh mạng và không gian mới.

Tổng thư ký Guterres cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả quốc gia thành viên để tạo ra sự đồng thuận mới về cách tốt nhất nhằm cùng nhau xoa dịu những mối đe dọa này. “Không loại bỏ vũ khí hạt nhân thì không thể có hòa bình, không thể có lòng tin hoặc tương lai bền vững” - ông nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các quốc gia kết thúc cuộc thảo luận chung thường niên của Đại hội đồng LHQ với một cam kết mới về tương lai hòa bình.•

Nga cho biết vẫn duy trì đối thoại với Mỹ về vấn đề hạt nhân

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga và Mỹ vẫn đang duy trì một kênh đối thoại thích hợp, giúp hai nước này có thể “trao đổi thông điệp khẩn cấp” có liên quan tới vấn đề vũ khí hạt nhân, hãng thông tấn TASS đưa tin hôm 26-9. “Có những kênh đối thoại ở cấp độ thích hợp nhưng không thường xuyên. Ít nhất lãnh đạo hai nước có thể thông qua nó để trao đổi một số thông điệp khẩn cấp về quan điểm” - ông Peskov chia sẻ.

Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào để “bảo vệ đất nước và người dân Nga” và công bố sắc lệnh động viên một phần lực lượng.

Phản ứng trước tuyên bố trên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington sẽ đáp trả bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga tại Ukraine. Ông không công khai chi tiết nhưng cho biết Washington cũng đã trao đổi riêng với Moscow về điều này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm