ĐB Phạm Đình Cúc (Vũng Tàu) hỏi về con số người Việt Nam chi 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ. Đây có phải là lượng ngoại tệ từ Việt Nam chuyển sang Mỹ để mua bất động sản không?
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Thông tin mua bất động sản tại Mỹ không có cơ sở để khẳng định con số ngoại tệ này là chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài để mua bất động sản tại Mỹ. Hiện số liệu người Việt Nam mua bất động sản tại Mỹ do Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc ở Mỹ công bố được thực hiện qua phiếu điều tra. Ở đây số liệu có thể là người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì họ cũng tính là người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam sinh sống ở các quốc gia khác nhưng đến Mỹ mua nhà cũng được tính là người Việt Nam.
Về tình hình đầu tư ra nước ngoài, riêng lĩnh vực bất động sản có 43 dự án với tổng số vốn đăng ký là 930 triệu USD, chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, trong đó có 17 dự án đầu tư vào Mỹ với tổng vốn đăng ký khoảng 270 triệu. Đến nay số vốn thực tế chuyển qua Mỹ của các dự án đầu tư chỉ khoảng 215 triệu, năm 2017 chỉ có ba dự án được cấp phép với số vốn đăng ký là 15 triệu USD.
Chúng ta đã có cơ chế kiểm soát khá đầy đủ, đã kiểm tra giám sát hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài qua việc quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng được phép; ngoài ra trong luật phòng, chống rửa tiền cũng có quy định phải báo cáo các giao dịch; ngoài ra có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các giao dịch vi phạm chính sách chuyển tiền ra nước ngoài...
"Trên thực tế có thể có một số trường hợp lợi dụng các quy định của pháp luật để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài qua các trung gian chuyển tiền. Thời gian tới, các cơ quan nhà nước và một số cơ quan chức năng sẽ phải phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm" - Thống đốc NHNN thông tin.
Gần cuối phiên chất vấn thống đốc, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) hỏi: “Có ý kiến lo ngại về dòng tiền tín dụng đổ vào bất động sản tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao nếu như không được kiểm soát tốt. Trong quá khứ, có thời điểm NHNN đã phải chỉ đạo ngăn chặn tăng nóng tín dụng bất động sản và đã phát huy tác dụng, kiềm chế được nợ xấu trong toàn hệ thống. Đề nghị thống đốc cho biết tình trạng tín dụng bất động sản hiện nay thế nào, NHNN có biện pháp gì để kiểm soát được tình hình này?”.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết dư nợ cho vay bất động sản tại các NHTM hiện nay khoảng trên 400.000 tỉ đồng (chiếm 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế), tỉ trọng tín dụng này đã giảm so với năm ngoái, tốc độ tăng tín dụng cũng giảm so với năm ngoái, tốc độ tăng tín dụng cũng thấp hơn so với tốc độ tăng tín dụng của toàn hệ thống.
“Chúng tôi đã có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản bằng các quy định về tỉ lệ an toàn; quy chế sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn; công tác thanh tra...” - thống đốc kết luận.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chất vấn: “Cử tri nói với tôi, họ đọc báo thấy có thông báo của Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra công tác kiểm tra, giám sát của NHNN giai đoạn 1-1-2010 đến 30-6-2015. Theo thông báo này, NHNN đã có một số sai phạm như không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm, chưa kịp thời chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả. Tại thông báo này cũng có nói NHNN chậm ban hành quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt... Thanh tra Chính phủ đề nghị NHNN cho kiểm tra, xử lý trách nhiệm của những người có liên quan. Đề nghị thống đốc cho biết từ tháng 8 đến nay, NHNN đã tiến hành việc xử lý này như thế nào?”
Đại biểu Nghĩa cũng nêu một câu hỏi khác: Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, NHNN đề nghị có điều khoản miễn trách nhiệm. Ý kiến chung là nhiều ngành rủi ro như công an, kiểm sát, tòa án, quân đội... nhưng không có ngành nào có điều khoản miễn trách như vậy. Dự thảo hiện nay không có điều này, nếu luật thông qua không có điều này thì ngành ngân hàng có làm tròn được trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát đặc biệt hay không?
Thống đốc Lê Minh Hưng sau đó cho biết NHNN đang tiến hành thực hiện công tác kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan ở cơ quan thanh tra giám sát theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. "Trên cơ sở kết quả báo cáo kiểm điểm, chúng tôi sẽ báo cáo CP về hướng xử lý trong thời gian tới và khi có kết quả chúng tôi sẽ báo cáo đại biểu về kết quả xử lý".
Về câu hỏi thứ hai, Thống đốc cho rằng Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo chỉ đề nghị xem xét để có quy định tạo điều kiện cho cán bộ có năng lực, trình độ tham gia quá trình cơ cấu lại.
“Chúng tôi không đề nghị miễn trách nhiệm cho những hành vi vi phạm pháp luật, nếu cán bộ nào tham gia quá trình tái cơ cấu mà thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý nghiêm theo quy định. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn có quy định trong dự thảo luật để có được cán bộ có năng lực, trình độ yên tâm công tác, vì chúng ta phải tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ từ các tổ chức tín dụng của Nhà nước sang hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cổ phần. Muốn vậy thì chúng ta cũng nên có quy định. Thông lệ của nhiều nước trên thế giới cũng đều có quy định trong pháp luật chuyên ngành về thanh tra giám sát về việc xem xét trách nhiệm cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu” - thống đốc nói.