Thông tin ấm lòng vụ 'muốn lắp chân giả để được đi học'

(PLO)- Thông qua báo Pháp Luật TP.HCM, một mạnh thường quân (không muốn nêu tên) khẳng định ông sẽ tài trợ trọn gói chi phí lắp chân giả cho em Trần Thị Hồng - người bị TNGT nhưng phía gây tai nạn hỗ trợ chưa thấu lý, thấu tình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin về hoàn cảnh của em Trần Thị Hồng, bị hại trong vụ án vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ vừa được TAND thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra xét xử hôm 27-4.

Sau tai nạn, Hồng bị thương nặng, phải cắt một bên chân, tỉ lệ thương tật tới 87% nên em mong muốn được lắp chân giả để có thể đi học, đi làm, tự lo cuộc sống sau này.

Tuy nhiên, sau phiên tòa, nỗi lo về chi phí ngày một lớn khi doanh nghiệp đã từ chối bồi thường vì khó khăn. Tòa thì quyết định tách phần chi phí lắp chân giả để giải quyết ở một vụ khác.

Em Trần Thị Hồng vui mừng khi hay tin có mạnh thường quân giúp lắp chân giả. Ảnh: TK

Em Trần Thị Hồng vui mừng khi hay tin có mạnh thường quân giúp lắp chân giả. Ảnh: TK

Như được sinh ra một lần nữa

Chiều 29-4, hai ngày sau phiên tòa sơ thẩm, phóng viên có mặt tại nhà em Hồng ở tổ 11, thôn Phước Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Em tâm sự, sau khi rời phiên tòa, em buồn và suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình khi phần chi phí lắp chân giả không được bồi thường.

Tuy nhiên, em cũng cảm thấy ấm áp vì được nhiều người quan tâm, hỏi thăm, động viên và giúp đỡ. Bạn bè, người thân quen, những nhà hảo tâm giúp em trước đây và cả những cô chú, anh chị em chưa quen biết cũng động viên em qua mạng xã hội.

Ngoài ra, thời gian qua, bạn bè cũng là nguồn động lực, niềm vui giúp em lạc quan hơn. “Các bạn ấy nhiều khi ép con đi ra ngoài chơi cùng để vui, quên đi chuyện buồn. Sau lễ các bạn sẽ chuẩn bị thi tốt nghiệp, các bạn rủ con đi chụp kỷ yếu lớp, con cũng sẽ đi” - Hồng vui vẻ nói.

Khi hay tin có một mạnh thường quân (không muốn nêu tên) thông qua báo Pháp Luật TP.HCM hứa sẽ tài trợ toàn bộ chi phí lắp chân giả cho mình thì em Hồng, mẹ em cùng bà ngoại đã rất vui mừng và cười đến rơi nước mắt.

Cả nhà nói tin mừng này đến như thể Hồng đã được sinh ra một lần nữa, cho em thêm niềm tin và sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh, những khó khăn đang chờ em phía trước.

Công ty Thiên Định nói sẽ hỗ trợ khi bớt khó khăn

Chiều 29-4, ông Phạm Văn Mạnh - đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thiên Định Vũng Tàu cho hay thời gian đầu công ty đã có nhiều hỗ trợ, phụ giúp em Hồng cũng như hứa hẹn lo cho tương lai của em sau này.

Tuy nhiên, hiện công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh sau thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19.

Khi công ty bớt khó khăn, không chỉ cá nhân lãnh đạo mà anh em công ty cũng sẽ vận động thêm các nơi khác để hỗ trợ em Hồng.

“Con cám ơn các cô chú đã yêu thương, giúp đỡ con”

Hồng kể: Trước khi xảy ra tai nạn, em hay tham gia các công việc thiện nguyện, đến thăm các em mồ côi, khuyết tật nên hiểu được một phần khi rơi vào hoàn cảnh ấy thì sẽ ra sao.

Điều đó phần nào giúp em vững vàng, mạnh mẽ hơn khi tai nạn ập đến. Em và gia đình luôn tâm niệm dù chưa biết sau này sẽ ra sao nhưng nếu có điều kiện thì sẽ giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật khác.

“Con cám ơn các cô chú đã thương yêu, giúp đỡ con. Thực sự, con không biết nói gì hơn ngoài lời cám ơn mọi người đã giúp đỡ con suốt thời gian qua. Nay biết được có mạnh thường quân sẽ giúp con lắp chân giả, mặc dù con không biết là ai nhưng con biết ơn rất nhiều” - Hồng chia sẻ.

Em cho biết thêm, chân phải của em hiện giờ qua các lần phẫu thuật cũng không thể đứng được bình thường, chỉ ít phút xỏ giày vào chân là nước mủ sẽ xì ra. Tuy nhiên trước mắt, em chỉ mong được lắp chân trái.

“Con cũng rất đắn đo, có lẽ không nên lắp chân giả quá tốt, giá cao. Vì trong quá trình đi sau này sẽ có lúc hỏng phải sửa, con sợ khi ấy không có tiền để sửa” - Hồng chia sẻ chân thật những suy nghĩ của mình.

Đồng thời, Hồng cho biết em đã xác định sẽ tập trung, nỗ lực học về vi tính để sau này tìm nghề phù hợp khi sức khỏe cho phép.

Em Hồng sẽ lên TP.HCM để được thăm khám

Theo TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, bệnh nhân muốn làm chân giả thì nên tới bệnh viện để được chuyên gia thăm khám. Từ đó mới có thể đưa ra mức giá phù hợp.

“Giá tiền chân giả phụ thuộc vào chất liệu (mềm hay không mềm), độ ôm, tính thẩm mỹ (uyển chuyển, linh hoạt) và nhiều yếu tố khác” - TS-BS Hoàng cho biết thêm.

Vì vậy, dự kiến sau dịp nghỉ lễ 30-4, em Trần Thị Hồng sẽ lên TP.HCM để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn về việc lắp chân giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm